195 gói thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 được 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đồng loạt tổ chức mời thầu trong tháng 2/2022. Ảnh: Song Lê |
Theo kế hoạch, tổng số 195 gói thầu mua gạo được đồng loạt tổ chức mời thầu trong tháng 2/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 4 Cục DTNN khu vực chưa hoàn tất quá trình lựa chọn nhà thầu. Đó là Cục DTNN các khu vực: Bắc Tây Nguyên; Nam Tây Nguyên; Cửu Long và Tây Nam Bộ.
Theo các kết quả đã được công bố, một trong những nhà thầu có tần suất trúng thầu lớn nhất có thể kể đến là Công ty TNHH MTV Quốc Phát (địa chỉ tại Đồng Tháp) với 24 gói thầu, được công bố trúng tại Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình; Bình Trị Thiên; Nghệ Tĩnh; Thanh Hóa..., với tổng giá trị hợp đồng đạt 294,831 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Tân Phát (địa chỉ tại Đồng Tháp) trúng 19 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng đạt 224,947 tỷ đồng. Đây là các hợp đồng mua gạo dự trữ tại Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ; Hà Bắc; Thái Bình; Nghệ Tĩnh; Bình Trị Thiên; Thanh Hóa; Hải Hưng; TP.HCM.
Công ty CP Lương thực Hà Nam (địa chỉ tại Hà Nam) được công bố trúng 10 gói thầu, với tổng giá trị hợp đồng ước đạt 123,769 tỷ đồng, tương đương 11.400 tấn gạo nhập kho dự trữ tại Cục DTNN khu vực Thanh Hóa; Nghệ Tĩnh; Hà Nội; Tây Bắc; Hà Bắc.
Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (địa chỉ tại Hà Nam) được công bố trao hợp đồng 10 gói thầu mua gạo nhập kho dự trữ thuộc Cục DTNN khu vực Thái Bình; Hà Nội; Tây Bắc; Bắc Thái. Tổng giá trị hợp đồng là 125,414 tỷ đồng.
Một số nhà thầu có tần suất trúng thầu lớn như Công ty CP Thương mại Minh Khai (trúng 9 gói thầu); Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (trúng 7 gói thầu)...
Được biết, năm 2021 là năm đầu tiên Tổng cục DTNN thực hiện đánh giá uy tín nhà thầu theo phương pháp chấm điểm. Đây không phải là hình thức đánh giá để loại nhà thầu, mà nhằm bảo đảm công bằng theo hướng nhà thầu nào uy tín cao được đánh giá cao và ngược lại. Kết quả cho thấy, năm 2021, số lượng nhà thầu tham gia tăng cao hơn so với các năm trước; tiết kiệm tăng; thời gian hoàn thành nhập kho 190.000 tấn gạo sớm hơn so với dự kiến do đã khắc phục được tình trạng doanh nghiệp trúng thầu gạo DTQG nhưng lại từ chối ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng bỏ/thực hiện dở dang...
Năm 2022, hồ sơ mời thầu các gói thầu mua gạo DTQG tiếp tục được các Cục DTNN khu vực thống nhất áp dụng điểm đánh giá uy tín nhà thầu trong thời gian 5 năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu) theo hướng, nhà thầu đã được các Cục DTNN khu vực phê duyệt trúng thầu gói thầu cung cấp gạo DTQG nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, đạt 50 điểm. Nhà thầu đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các Cục DTNN khu vực nhưng không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng để các đơn vị từ chối nhập hàng, đạt 70 điểm; không thuộc 2 trường hợp vừa nêu, đạt tối đa 100 điểm tại nội dung đánh giá này.
Trong số các nhà thầu tham dự và trúng lớn tại Kế hoạch Mua gạo DTQG năm 2022 kể trên, không ít nhà thầu từng có những “tì vết” trong các kỳ đấu thầu mua gạo DTQG giai đoạn 5 năm trở lại đây như Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty CP Lương Thực Hà Tĩnh...
Theo đánh giá của Tổng cục DTNN, việc các nhà thầu bị trừ điểm khi tham gia đấu thầu nhưng vẫn trúng thầu cho thấy đây là những nhà thầu thực sự có năng lực.