Việc lồng ghép các yếu tố xanh vào xây dựng kế hoạch mua sắm đang bị bỏ ngỏ. Ảnh: Lan Hương |
Các chuyên gia cho rằng, khi các yếu tố “xanh” được khuyến khích nhiều hơn vào hoạt động này sẽ góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Vẫn còn hạn chế
Đề cập về thực trạng mua sắm công xanh tại Việt Nam hiện nay, tại Hội thảo Đào tạo mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái ở Việt Nam do Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) tổ chức từ ngày 20-22/9, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc AIT-VN cho biết, hoạt động mua sắm công vẫn chưa chú trọng đến yếu tố này. Theo bà Hòa, đến nay, khung chính sách về mua sắm công bền vững của Việt Nam đã tương đối đầy đủ như: Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững (2011 - 2020), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2011 - 2020, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thuế môi trường; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Đấu thầu…
“Khung chính sách mua sắm công xanh đã theo kịp các nước trong khu vực, nhưng việc triển khai khung chính sách vẫn mang tính tự nguyện nên hiệu quả thu được còn rất hạn chế. Việc lồng ghép các yếu tố xanh vào xây dựng kế hoạch mua sắm đang bị bỏ ngỏ”, bà Hòa đánh giá.
Chỉ rõ về hạn chế nêu trên, ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến mua sắm công chưa xanh. Trong đó có việc lồng ghép các yếu tố này vào xây dựng hồ sơ mời thầu mua sắm chưa được quan tâm đúng mức, chính sách đưa ra mới chỉ dừng lại ở mức độ “khuyến khích” khiến các cơ quan mua sắm không hứng thú ứng dụng. Thứ hai là khi mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chí “xanh” sẽ tốn kém thời gian và chi phí. “Những lý do này khiến mua sắm công ở Việt Nam vẫn chưa xanh”, ông Hòa nhấn mạnh.
Về phía sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá đầy đủ, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa dành quan tâm đúng mức đối với việc sản xuất các sản phẩm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đại diện Công ty CP Phích nước bóng đèn Rạng Đông chia sẻ, thị trường tiêu thụ các sản phẩm đáp ứng tiêu chí “xanh” cũng còn có giới hạn. Đặc biệt, hiện một số nhóm sản phẩm chưa có bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm được dán nhãn sinh thái để tăng cơ hội thắng thầu.
Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Theo ông Hòa, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái nếu được chú trọng sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ngược lại, nếu hoạt động này không được quan tâm sẽ khó đạt được mục tiêu này.
“Thúc đẩy mua sắm công xanh sẽ gián tiếp điều chỉnh hoạt động bên cung cấp là các nhà sản xuất buộc họ phải thay đổi công nghệ, hành vi… nhằm có thể cung cấp được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn mà bên mua yêu cầu. Như vậy, mua sắm công xanh được xem như là một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường”, ông Hòa nhận định.
Đề xuất giải pháp để Việt Nam thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua mua sắm công bền vững, bà Hòa nhấn mạnh, việc tiến hành rà soát các văn bản quy định về mua sắm công và các văn bản quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để đưa ra cơ chế mua sắm công xanh là rất cần thiết; đồng thời, cần nâng cao nhận thức, năng lực của bên mua cũng như bên cung cấp trong mua sắm…