Mua sắm thiết bị giáo dục tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng): Đến hẹn lại... kiến nghị?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù hệ thống pháp luật về đấu thầu đã được đồng bộ, chuẩn hóa, nhưng theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng mời thầu vẫn thường xuyên phát sinh kiến nghị về các tiêu chí được đánh giá là bất cập, chưa phù hợp với nguyên tắc cạnh tranh.
Nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng mời thầu vẫn thường xuyên phát sinh kiến nghị về các tiêu chí được đánh giá là bất cập. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng mời thầu vẫn thường xuyên phát sinh kiến nghị về các tiêu chí được đánh giá là bất cập. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê đang đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Mua sắm thiết bị cấp tiểu học và cấp THCS - UBND quận Thanh Khê, giai đoạn 1 (giá gói thầu 12,302 tỷ đồng). Ngay sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) được phát hành, ít nhất 4 nhà thầu có văn bản kiến nghị về các bất cập tại HSMT, mà trọng tâm là cấu hình của 187 bộ máy tính mang dấu hiệu đặc trưng, hướng đến một thương hiệu nhất định. Cụ thể, HSMT quy định các tiêu chí kỹ thuật sau: cổng kết nối phía sau: 2 x USB 3.2, 4 x USB 2.0, 1 x PS/2 Keyboard, 1 x PS/2 Mouse, 1 x VGA, 2 x HDMI; kiểu dáng: có tay xách di động; bàn phím cổng USB, tích hợp 3 cổng USB, gồm 118 phím, độ dài dây kết nối 1,8 m; chuột cổng USB: chuột quang, cảm biến 1.000 Dpi, độ dài dây kết nối 1,8 m.

Theo các nhà thầu, đối với máy tính để bàn, hiệu quả sử dụng phụ thuộc vào công năng, hiệu suất làm việc cũng như thế hệ (đời) của các linh kiện cấu thành như: bo mạch chủ (mainboard), bộ vi xử lý (processor), dung lượng bộ nhớ RAM và tiêu chuẩn, dung lượng ổ cứng (HDD/SSD), chứ không phụ thuộc vào các tiêu chuẩn như quy định tại HSMT. “Với cấu hình “độc quyền” nêu trên, qua tìm hiểu trên thị trường, không khó để nhận ra HSMT đang hướng đến máy tính để bàn thương hiệu SingPC. Như vậy, HSMT vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật, HSMT không được đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu”, một nhà thầu nhận định.

Theo kế hoạch, Gói thầu sẽ được mở thầu vào 7 giờ 30 ngày 13/4/2024.

Đầu tháng 3/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê phát hành HSMT Gói thầu Mua sắm và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Trường Tiểu học Lê Văn Tám (giá gói thầu 2,248 tỷ đồng). Phản ánh đến Bên mời thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT thể hiện yếu tố bất cập qua yêu cầu “nhà thầu cam kết tại thời điểm trao hợp đồng thực hiện cung cấp giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất, hoặc văn phòng đại diện hợp pháp của nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối được ủy quyền của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác (được chứng thực)”. Đối chiếu phạm vi cung cấp của Gói thầu bao gồm hàng hóa, thiết bị học đường thông dụng, không yêu cầu cao về kỹ thuật, nhà thầu cho rằng việc quy định giấy phép bán hàng hoặc các tài liệu tương đương như HSMT là vi phạm điểm b khoản 2 Phụ lục 8 Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT.

Tháng 12/2023, một số bất cập được nhà thầu chỉ ra tại HSMT Gói thầu Mua sắm thiết bị nội thất thuộc Dự án Đầu tư các công trình giáo dục tại khu đất sau khi di dời Nhà máy Nhựa, cũng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Khê mời thầu. Theo đó, HSMT yêu cầu “nhà thầu cam kết cung cấp mẫu hàng hóa để kiểm tra và thử nghiệm khi thương thảo hợp đồng theo yêu cầu của bên mời thầu”; “yêu cầu cung cấp giấy phép bán hàng”; “yêu cầu quá nhiều tiêu chuẩn ISO (ISO 14001:2015; ISO 9001:2015; ISO 45001:2018...) đối với sản phẩm mời thầu”. Kết quả, Gói thầu phải hủy thầu vào ngày 22/2/2024 do cả 2 nhà thầu tham dự gồm Công ty TNHH Ngô Văn Nhân và Công ty CP Tâm Quang Minh đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, Cục Quản lý Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã xây dựng hoàn thiện chức năng giám sát hoạt động đấu thầu. Theo đó, các thông tin bao gồm: danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có yêu cầu làm rõ HSMT nhiều nhất; danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có kiến nghị về HSMT nhiều nhất; danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều nhất... sẽ được công khai. Qua đó góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu và đặc biệt là tăng trách nhiệm giải trình.

Tin cùng chuyên mục