Mua sắm thiết bị tại Sở GD&ĐT Gia Lai: Tiêu chí độc quyền loại 4 nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Gia Lai (bên mời thầu) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm màn hình hiển thị và thiết bị phụ kiện trang bị phòng học lý thuyết cho các trường công lập trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, 4 nhà thầu đã bị loại vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu (HSMT) từng bị phản ánh là định hướng thương hiệu.
Sở GD&ĐT Gia Lai vừa công bố KQLCNT thực hiện Gói thầu Mua sắm màn hình hiển thị và thiết bị phụ kiện trang bị phòng học lý thuyết...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Sở GD&ĐT Gia Lai vừa công bố KQLCNT thực hiện Gói thầu Mua sắm màn hình hiển thị và thiết bị phụ kiện trang bị phòng học lý thuyết...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có dự toán 13,063 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 20/4 - 9/5/2024, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Lộc Tiến tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Bảo Kiến Uy thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trong thời gian phát hành HSMT, nhiều nhà thầu phản ánh, HSMT có các yêu cầu về thông số kỹ thuật của sản phẩm máy tính để bàn mang tính “độc quyền”. Cụ thể, đối với sản phẩm này, HSMT yêu cầu: case máy tính có tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Việt Nam không thấp hơn 65% được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền; bàn phím và chuột đạt tiêu chuẩn chống va đập IK08; bảo vệ dữ liệu người dùng theo công nghệ NAND (có tài liệu hướng dẫn kèm theo)...

Liên quan đến yêu cầu “case máy tính có tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Việt Nam không thấp hơn 65%”, nhà thầu cho biết, theo Điều 10 Luật Đấu thầu, tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Việt Nam trên 25% là đã đủ điều kiện gắn xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, việc quy định tỷ lệ không thấp hơn 65% như tại HSMT là không có cơ sở.

Theo các nhà thầu, “IK08” là chỉ số thể hiện khả năng chống va đập của vỏ bọc các thiết bị điện trước các yếu tố tác động từ bên ngoài tương ứng khả năng chịu được năng lượng va chạm 5 jun, tương đương với búa kiểm tra nặng 1,7 kg, được áp dụng phổ biến với dòng bóng đèn led trong nhà xưởng, công trường. Trong khi đó, máy tính để bàn là thiết bị sử dụng trong phòng học, cố định tại một vị trí, không chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường va chạm, là đối tượng áp dụng QCVN 132:2022/BTTTT về an toàn điện với thiết bị đầu cuối viễn thông và công nghệ thông tin. Việc yêu cầu chứng minh khả năng chống va đập IK08 là tiêu chí phức tạp, không cần thiết, có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.

Về “công nghệ NAND”, đây là công nghệ độc quyền đối với sản phẩm máy vi tính được sản xuất bởi Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng. Đây là yêu cầu kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng, trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp, vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu.

Không chỉ sản phẩm máy vi tính để bàn, một số hàng hóa khác cũng bị phản ánh mang tính định hướng bằng việc nêu đích danh thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ như: bảng trượt ngang nguyên khối Mositech SS03, bảng từ Hàn Quốc xanh - Dongkuk Korea (thương hiệu Tân Hà); màn hình tương tác sử dụng phần mềm tương tác i-Pro5...

Phản hồi các nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, trong quá trình thẩm định giá chi tiết thiết bị, Bên mời thầu đã nghiên cứu chương trình giảng dạy và học tập để mua sắm thiết bị được tối ưu các chức năng đảm bảo mục tiêu của Gói thầu. Trên cơ sở đó, đơn vị thẩm định giá lựa chọn chi tiết các yêu cầu thiết bị hiện có trên thị trường để xác định giá trị mua sắm phù hợp. Mặt khác, HSMT cũng nêu rõ: “bất kỳ thương hiệu, mã hiệu, danh từ riêng (nếu có) trong bảng yêu cầu kỹ thuật chỉ mang tính chất minh họa cho các tiêu chuẩn chất lượng, tính năng kỹ thuật khó mô tả, nhà thầu có thể lựa chọn dự thầu hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất, thương hiệu, mã hiệu phù hợp với điều kiện cung cấp nhưng phải đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng “tương đương” hoặc “ưu việt” hơn so với yêu cầu tối thiểu của HSMT, đồng thời phải đảm bảo khả năng tích hợp giữa các thiết bị được cung cấp”. Theo đó, các tiêu chí trong HSMT được giữ nguyên.

Theo kết quả đánh giá HSDT, 4 nhà thầu cùng bị loại tại bước đánh giá về kỹ thuật do không đáp ứng yêu cầu của HSMT, gồm: Công ty CP Đầu tư Tasla Việt Nam; Công ty CP Thương mại Visnam; Công ty TNHH Công nghệ TQT; Liên danh Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng - Công ty CP Giải pháp thiết bị Sao Mai.

Nhà thầu duy nhất vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật và được mở hồ sơ đề xuất tài chính là Công ty CP Xuất nhập khẩu Thiết bị công nghệ HTC, giá phê duyệt trúng thầu là 12,857 tỷ đồng. Trong danh mục hàng hóa trúng thầu, HTC sẽ cung cấp: máy tính để bàn cho giáo viên (mã hiệu: TATI512H610R8S512M22W, hãng sản xuất: Thánh Gióng, xuất xứ: Việt Nam); bảng trượt chống lóa (mã hiệu: Mositech SS03, hãng sản xuất: Tân Hà, xuất xứ: Việt Nam)...

Ngày 22/6/2024, Công ty CP Thương mại Visnam đã có đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đơn kiến nghị, Nhà thầu khẳng định đánh giá của Tổ chuyên gia là chưa khách quan, không hợp lý, thiếu chính xác. Nhà thầu cho biết, trường hợp Bên mời thầu phúc đáp không thỏa đáng, Visnam sẽ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Tin cùng chuyên mục