Mua sắm thiết bị y tế tại Trà Vinh: Lý do thay đổi cấu hình thiết bị có thỏa đáng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Báo Đấu thầu đăng bài viết “Mua sắm thiết bị y tế tại Trà Vinh: Dấu hỏi về việc thay đổi cấu hình” ngày 25/9/2020 phản ánh việc điều chỉnh cấu hình thiết bị được duyệt tại 2 gói thầu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, đại diện các hãng thiết bị đã lên tiếng phản hồi.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đề xuất thay đổi cấu hình nhiều thiết bị do Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt. Ảnh: Nhã Chi
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đề xuất thay đổi cấu hình nhiều thiết bị do Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt. Ảnh: Nhã Chi

Diễn biến phức tạp hơn khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh tiếp tục đề xuất thay đổi cấu hình thiết bị tại 2 gói thầu khác dù chỉ căn cứ vào những thông tin chưa chính thống.

Thay đổi cấu hình vì một số dòng máy bị “khuyến cáo thu hồi”

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh có tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, với 6 gói thầu mua sắm thiết bị, do Sở Y tế Trà Vinh làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Tất cả các thiết bị này đều đã được Bộ Y tế phê duyệt cấu hình để triển khai lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh có động thái tự ý điều chỉnh cấu hình thiết bị tại 4 gói thầu. Đó là, Gói thầu số 62 Mua sắm thiết bị hồi sức cấp cứu (tổng dự toán hơn 71 tỷ đồng); Gói thầu số 63 Mua sắm hệ thống chụp cộng hưởng từ (dự toán 29 tỷ đồng); Gói thầu số 65 Thiết bị chẩn đoán hình ảnh (dự toán 99,255 tỷ đồng) và Gói thầu số 66 Thiết bị phẫu thuật - gây mê hồi sức (dự toán 76,444 tỷ đồng).

Theo tờ trình ngày 10/12/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đề xuất thay đổi cấu hình với các dòng máy gây mê kèm thở của Hãng GE, các dòng máy siêu âm của Hãng Philips với lý do bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo thu hồi. Bệnh viện đề xuất thay thế các thiết bị này bằng các dòng máy của Đức, Hàn Quốc.

“Nếu các đơn vị sử dụng tự ý thay đổi cấu hình thiết bị đã duyệt thì thủ tục về phê duyệt và thẩm định cấu hình, dự toán đã không được tuân thủ đúng”, một nhà thầu cho biết.

Thông tin ảnh hưởng đến uy tín của hãng

Theo tìm hiểu, đại diện chính thức của Hãng Philips tại Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan hữu quan về những thông tin liên quan đến việc thiết bị của hãng này bị FDA khuyến cáo thu hồi. Cụ thể, đại diện Hãng Philips cho biết: “Chúng tôi xác nhận đó là những thông tin thiếu cơ sở, không có kiểm chứng”.

Theo thông tin từ đại diện của Hãng, năm 2019, Philips phát hiện sự cố với phần mềm Ultrasound và đã báo cáo trường hợp này với Bộ Y tế vào ngày 10/5/2019. Đồng thời, Philips cũng gửi thông báo tới tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng trên thị trường Việt Nam với tổng số 10 thiết bị tại 2 địa điểm bị ảnh hưởng. Trước ngày 31/10/2019, Philips đã khắc phục sự số. Đến nay, Philips xác nhận tất cả các thiết bị bị ảnh hưởng đã hoạt động bình thường và an toàn.

Ngày 26/4/2020, Hãng Philips công bố Thông báo an toàn số FSN79500509-519 khẳng định các dòng máy hãng này cung cấp an toàn cho người sử dụng. Thông báo này đã được Philips Việt Nam đính kèm văn bản gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) về việc thông báo an toàn và hiệu chỉnh thiết bị y tế mà hãng này đang lưu hành vào tháng 5/2020. Hiện Bộ Y tế chưa có bất kỳ khuyến cáo nào liên quan đến các thiết bị nói trên.

Trong khi đó, đại diện của GE Healthcare Việt Nam (trực thuộc GE Healthcare) đã phản hồi về dòng máy gây mê kèm thở Carestation 620/650/650c bị thu hồi như các biên bản làm việc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đề cập. Theo đó, GE Healthcare không thu hồi sản phẩm trên. Tháng 12/2019, GE có gửi khách hàng Thư số 34104 thông báo về việc một số lô máy đã sản xuất có thể bị lỏng cáp kết nối bên trong máy. Hiện tượng này chỉ xảy ra với một vài lô hàng nhất định sản xuất năm 2018 và 2019. Các máy CS 620 và CS 650 đang phân phối trên thị trường năm 2020 không bị ảnh hưởng. GE đã phối hợp cùng Vietmedical chủ động rà soát, hoàn tất xử lý trong tháng 1/2020.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện các nhà thầu cho biết, hồ sơ mời thầu với cấu hình thiết bị mà Bộ Y tế phê duyệt là cơ hội cho nhiều hãng lớn dự thầu. Tuy nhiên, việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh đưa ra thông tin thiếu căn cứ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh trong đấu thầu.

Từ phía Sở Y tế Trà Vinh, Phó Giám đốc Phan Thanh Dũng cho biết: “Trường hợp Bệnh viện có đề xuất thay đổi cần lưu ý cấu hình kỹ thuật phải chứng minh được tương đương hoặc tốt hơn cấu hình kỹ thuật được Bộ Y tế phê duyệt”.

Tin cùng chuyên mục