Mỹ cân nhắc can thiệp cuộc chiến giá dầu Nga – Saudi Arabia

Hàng chục hãng dầu Mỹ đang đối mặt với nguy cơ phá sản khi giá dầu rơi tự do, khiến giới chức phải tìm cách giải cứu.
Công nhân tại một cơ sở khai thác dầu ở Texas (Mỹ). Ảnh:Reuters
Công nhân tại một cơ sở khai thác dầu ở Texas (Mỹ). Ảnh:Reuters

WSJ trích lời một nguồn tin thân cận cho biết giới chức Mỹ đang tìm phương án ngoại giao nhằm thuyết phục Saudi Arabia giảm sản xuất dầu, đồng thời đe dọa trừng phạt Nga, sau khi các hãng dầu Mỹ gây sức ép buộc chính phủ can thiệp. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức ngành này gần đây đã gặp quan chức Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ để đề nghị trợ giúp. Các yêu cầu được đưa ra nhiều nhất là can thiệp ngoại giao và mua dự trữ, nguồn tin của WSJ cho biết.

Các lãnh đạo hãng dầu cũng đề nghị giới chức Texas giúp đỡ, bằng cách kiềm chế sản xuất lần đầu tiên kể từ thập niên 70. Texas là bang nổi tiếng về khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.

"Chúng tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng các công cụ đàm phán với người Saudi Arabia và người Nga", CEO Pioneer Natural Resources Scott Sheffield cho biết, "Tôi đang cố ngăn ngành công nghiệp dầu khí biến mất trong 18 tháng tới".

Sheffield nói rằng ông muốn Mỹ giảm sản xuất khoảng 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm. Mỗi công ty chỉ cần giảm khoảng 10% sản lượng. Các doanh nghiệp nhỏ được miễn.

Giá dầu thô gần đây giảm mạnh do chịu sức ép cả cung và cầu. Nhu cầu nhiên liệu đi xuống do các nước phong tỏa biên giới và hoạt động kinh tế đi xuống trong đại dịch. Trong khi đó, dư cung sắp tăng mạnh do Nga và Saudi Arabia tăng sản xuất để giành thị phần. Dầu thô Mỹ WTI ngày 18/3 có phiên giảm mạnh nhất lịch sử, xuống đáy 18 năm. Dù giá sau đó hồi phục lên trên 26 USD một thùng, WTI năm nay đã giảm 60%.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét nhiều cách giúp ngành dầu khí Mỹ. Hàng chục hãng dầu nước này đang đối mặt với nguy cơ phá sản khi đại dịch lây lan.

Nguồn tin của WSJ cho biết Mỹ dự định yêu cầu Saudi Arabia quay về mức sản xuất cũ – tức là thấp hơn mức họ tuyên bố gần đây. Mỹ có thể thỏa thuận với Saudi Arbia rằng sẽ đe dọa trừng phạt Nga để đảm bảo Nga không dễ dàng hưởng lợi từ việc Saudi cắt giảm. Các biện pháp trừng phạt đang được thảo luận.

Dù chưa rõ khi nào giới chức Mỹ sẽ can thiệp, những thông tin này cũng cho thấy bước ngoặt trong chính sách nhiên liệu của Mỹ. Các công ty dầu đá phiến đã giúp Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với 13 triệu thùng một ngày. Nhưng hiện tại, họ đang chịu sức ép rất lớn.

"Nhu cầu chưa bao giờ giảm mạnh như hiện nay, từ khi thế giới bước sang thời kỳ hiện đại", Daniel Yergin – Phó chủ tịch IHS Markit nhận định, "Ngành công nghiệp này đang trong tình trạng khẩn cấp". Các hãng dầu lớn, như Chevron và Exxon Mobil thì vẫn chưa tỏ thái độ ủng hộ những biện pháp trên, nguồn tin của WSJ cho biết.

Tuần trước, Trump đã ra lệnh cho Bộ Năng lượng Mỹ mua dầu bổ sung vào Kho dự trữ Dầu chiến lược. Hôm qua (19/3), Bộ này cho biết sẽ bắt đầu tìm mua 30 triệu thùng, và sẽ mua tiếp để tăng dự dữ lên thêm 77 triệu.

Giới chức ngành này và cả chính phủ Mỹ cho rằng các biện pháp ngoại giao là cần thiết để Nga và Saudi Arabia nhượng bộ trong cuộc chiến nhấn chìm thị trường dầu. Hết tháng này, thỏa thuận cứu giá dầu suốt 3 năm qua của hai nước sẽ hết hạn. Cả hai trước đó thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận này và tuyên bố sẽ tăng sản xuất.

Trump hôm 19/3 cũng cho biết ông "có chút phân vân" về cách đối phó với giá dầu, cũng như với Nga và Saudi Aravia. Dù vậy, ông cho biết sẽ can thiệp vào thị trường "ở thời điểm thích hợp". Ông khẳng định người tiêu dùng đang hưởng lợi từ giá dầu thấp, dù việc này đang làm tổn hại doanh nghiệp. Ông cũng ám chỉ Nga sẽ chịu thiệt nhiều nhất nếu giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài vì "cả nền kinh tế của họ phụ thuộc vào đó".

Mỹ từ lâu đã áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu mỏ Nga. Họ cũng đưa hãng dầu quốc doanh Nga Rosneft vào danh sách đen, với lý do Nga can thiệp vào các vấn đề của Ukraine.

Dù vậy, cũng như chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, Trump không nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga, do việc này có thể khiến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang nhanh chóng. Mỹ cũng không áp lệnh cấm quy mô lớn với Rosneft, do cân nhắc hậu quả với các công ty ở Mỹ và thế giới đang hợp tác với Rosneft.

Tin cùng chuyên mục