Năm 2021 tiết kiệm hơn 27.625 tỷ đồng qua đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, thông qua việc lựa chọn nhà thầu cho 300.157 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu (tổng giá gói thầu 636.914,360 tỷ đồng), cả nước đã tiết giảm được 27.625,618 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 4,34%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu năm 2021 giảm nhẹ so với năm 2020, nhưng có một số điểm sáng trong hoạt động mua sắm tập trung, đấu thầu qua mạng…
Năm 2021, lĩnh vực xây lắp có 60.759 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu với tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu đạt 2,24%. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2021, lĩnh vực xây lắp có 60.759 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu với tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu đạt 2,24%. Ảnh: Tiên Giang

Bộ KH&ĐT cho biết, phân chia theo lĩnh vực đấu thầu, năm 2021, lĩnh vực xây lắp có 60.759 gói thầu với tổng giá gói thầu là 370.045,716 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu đạt 2,24% (tương ứng 8.300,747 tỷ đồng). Lĩnh vực mua sắm hàng hóa có 60.062 gói thầu với tổng giá gói thầu là 169.693,929 tỷ đồng, tiết kiệm 12.599,625 tỷ đồng (tương ứng 7,42%). Lĩnh vực tư vấn có 158.346 gói thầu với tổng giá gói thầu 48.874,522 tỷ đồng, tiết kiệm 5.972,368 tỷ đồng (12,22%). Lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn có 26.517 gói thầu với tổng giá gói thầu là 27.472,187 tỷ đồng, tiết kiệm 1.149,166 tỷ đồng (4,18%). Năm 2021, cả nước có 1.380 gói thầu hỗn hợp với tổng giá gói thầu là 44.183,529 tỷ đồng, tiết kiệm 611,502 tỷ đồng (1,38%).

Phân chia theo hình thức lựa chọn nhà thầu thì năm 2021, có 46.864 gói thầu thực hiện đấu thầu rộng rãi với tổng giá gói thầu là 505.318,390 tỷ đồng, tiết kiệm 22.613.098 tỷ đồng (4,48%). Chào hàng cạnh tranh có 25.256 gói thầu với tổng giá gói thầu là 31.380,127 tỷ đồng, tiết kiệm 1.981.155 tỷ đồng (6,31%). Đấu thầu hạn chế có 1.171 gói thầu với tổng giá gói thầu là 7.488,448 tỷ đồng, tiết kiệm 285.456 tỷ đồng (3,81%). Có 207.310 gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu với tổng giá gói thầu 81.824,311 tỷ đồng, tiết kiệm 2.105.053 tỷ đồng (2,57%). Các hình thức khác (mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng) có 19.556 gói thầu với tổng giá gói thầu là 10.903,083 tỷ đồng, tiết kiệm 33.976 tỷ đồng (1,61%).

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, mặc dù tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu năm 2021 có giảm nhẹ so với năm 2020 nhưng vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác đấu thầu đạt kết quả tốt. Một số đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu cao như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (32,07%); Bộ Quốc Phòng (29,18%); tỉnh Đồng Nai (12,56%); tỉnh Bắc Giang (11,52%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (11,11%); Tổng công ty Viễn thông MobiFone (12,94%). Tỷ lệ tiết kiệm trung bình của khối các bộ (17 bộ) khá cao, đạt 14,17%.

Năm 2021, công tác đấu thầu tập trung đã được triển khai tốt, tỷ lệ tiết kiệm qua việc mua sắm tập trung của cả nước khá cao, đạt 16,17% (năm 2020 đạt khoảng 11,59%). Năm 2021, cả nước có 804 gói thầu mua sắm được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo phương thức mua sắm tập trung với tổng giá trị mua sắm là 34.856,959 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 16,17% (năm 2020 là 11,63%). Một số địa phương có tỷ lệ tiết kiệm cao như Đồng Nai (21,99%), Yên Bái (34,64%), Quảng Trị (32,76%), Nam Định (26,62%)...

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước khá cao (đạt 16,17%, năm 2020 là 8,13%).

Năm 2021 cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của đấu thầu qua mạng. Theo báo cáo, nhiều bộ, ngành, địa phương đều triển khai rất quyết liệt đấu thầu qua mạng và vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT. So với năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng 1,18 lần (115.371 so với 98.172 gói thầu), tổng giá gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng tăng hơn 1,29 lần (391.272 tỷ đồng so với 320.967 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục