Nhiều hành vi bị cấm được quy định rõ trong Luật Đấu thầu vẫn bị vi phạm tại Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì (Hà Nội). Ảnh: NC st |
Cấm nhưng vẫn làm…
Công tác lựa chọn nhà thầu trong các dự án có vốn nhà nước, trong các hoạt động mua sắm công lâu nay vẫn là lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí. Chính vì vậy, một đạo luật riêng điều chỉnh quan hệ trong lĩnh vực đấu thầu đã được ra đời từ năm 2005. Đến cuối năm 2013, Luật Đấu thầu đã được sửa đổi toàn diện và ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động đấu thầu trong bối cảnh mới, gắn với chủ trương tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Nhưng thực tế thi hành cho thấy, nhiều hành vi bị cấm được quy định rõ trong Luật Đấu thầu vẫn bị vi phạm. Đơn cử như tại Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì, đây là một dự án lớn của TP. Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở phía Bắc Thủ đô.
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu, chẳng hạn Gói thầu số 8, hồ sơ nghiệm thu, thanh, quyết toán sử dụng con dấu không đúng đơn vị trúng thầu dẫn đến việc sau này không thanh quyết toán được vốn đầu tư dự án.
Hoặc tình trạng một số nhà thầu bán thầu sai quy định thu lợi bất chính, Gói thầu số 4, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội qua 2 lần chuyển nhượng bất chính trái phép thu 3.969 tỷ đồng. Cũng Gói thầu số 8, giếng ngoài đê, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng công ty Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam, qua 2 lần chuyển nhượng trái phép thu 1.658 tỷ đồng.
Việc này đã vi phạm quy định cấm chuyển nhượng thầu quy định tại Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Theo đó, các hành vi bị cấm bao gồm việc nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng tính trên giá hợp đồng đã ký kết. Hoặc chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.
Vi phạm phổ biến
Cũng tại Điều 89 Luật Đấu thầu, hàng loạt hành vi bị cấm khác cũng được quy định như đưa nhận, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận thầu, cản trở đấu thầu…
Dù vậy, vẫn có nhiều sai phạm được phát hiện. Tại Quảng Ngãi, qua thanh tra chấp hành pháp luật trong quản lý, sử đụng đất đai và quản lý đầu tư, xây dựng đã phát hiện hoạt động đấu thầu tại các dự án trên địa bàn Tỉnh có nhiều vi phạm so với quy định của Luật Đấu thầu.
Hầu hết các gói thầu có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều được tổ chức đấu thầu nhưng khi kiểm tra thực tế hồ sơ đấu thầu của một số dự án phát hiện nhiều thiếu sót. Một số dự án như Dự án Khu dân cư đường Trần Khánh Dư (TP. Quảng Ngãi), Dự án Neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2) đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tiến hành đấu thầu khi chưa xác định nguồn vốn.
Có tình trạng phân chia gói thầu không hợp lý nhằm giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu, dẫn đến mục tiêu tiết kiệm ngân sách qua đấu thầu không đạt. Có hiện tượng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu không đúng quy định như Dự án Đường bờ Nam sông Trà Khúc, Dự án Khu tái định cư Đồng Tam Bảo, 2 dự án chiếu sáng dọc Quốc lộ 1A (huyện Sơn Tịnh).
Ngoài ra, một số vi phạm khác cũng bị phát hiện như hồ sơ dự thầu của một số đơn vị trúng thầu không phù hợp với các yêu cầu, điều kiện trong hồ sơ mời thầu, không đúng quy định Luật Đấu thầu. Một số dự án chỉ định khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2009 nhưng đến năm 2011 Tỉnh mới có chủ trương đầu tư. Như vậy, dự án không có tính cấp bách, không thuộc các trường hợp được chỉ định thầu nhưng UBND huyện Bình Sơn vẫn chỉ định thầu, không đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Tại các doanh nghiệp nhà nước, việc tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu cũng chưa đảm bảo, còn xảy ra vi phạm. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và các đơn vị thành viên, trong giai đoạn 2012 - 2013, đã đầu tư các dự án thủy sản với giá trị thực hiện là hơn 556 tỷ đồng. Nhưng các dự án này không có kế hoạch đấu thầu tổng thể. Việc phân chia và chỉ định thầu không theo quy định, đấu thầu vi phạm điều kiện tiên quyết của hồ sơ mời thầu. Sau khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư lại ký hợp đồng với đơn vị con của đơn vị trúng thầu (trường hợp Gói thầu số 2 Nhà máy Chế biến và Bảo quản thủy sản thực phẩm - Tiền Giang).
Chế tài mạnh
Trong năm 2015, Quốc hội đã sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó có quy định một tội danh mới trong lĩnh vực đấu thầu, tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là 1 trong 9 tội danh được bổ sung vào Bộ luật Hình sự nhằm thay thế Điều 165 Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Với tội danh được quy định riêng, nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có giá trị răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm. Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tố tụng hình sự, công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này sẽ thuận lợi hơn. Do có quy định rõ về các hành vi phạm tội, nên việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ tập trung hơn, minh bạch hơn, qua đó hạn chế được khả năng bỏ lọt tội phạm cũng như oan sai.
Ngược lại, đối với các bên tham gia đấu thầu, chế tài hình sự sẽ có tác động răn đe mạnh mẽ. Việc quy định tội danh riêng biệt cho nhóm hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu sẽ giúp tăng cường tính răn đe hình sự. Nếu như trước đây các hành vi vi phạm đấu thầu chỉ bị truy cứu trách nhiệm trong một tội danh chung chung Cố ý làm trái, giờ đây các hành vi này sẽ có thể bị truy cứu với tội danh đúng bản chất pháp lý.
Với hàng lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, có đủ sức răn đe sẽ buộc các bên tham gia đấu thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt. Và qua đó, nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước.