Nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo. Ảnh: Bùi Văn Thịnh |
Liên kết để phát triển bền vững thương hiệu gạo Việt
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An
Trong khi nhiều ngành nghề như du lịch, hàng không… chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành lúa gạo là một trong những ngành có tăng trưởng vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay tăng 60 - 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2019, gạo Việt Nam được đánh giá là ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, thương hiệu gạo Việt vẫn chưa bền vững.
Muốn xây dựng được thương hiệu, trúng thầu nhiều hơn, thì chiến lược phát triển phải có tầm vĩ mô, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện kiên trì và xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, doanh nghiệp (DN) cần nhất là vốn để xúc tiến đầu tư, cung cấp giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chế biến…
Tuy vậy, DN không thể ngồi chờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương, mà cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, liên kết chuỗi, căn cứ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay.
Đại dịch Covid-19 cũng là dịp để các DN nhìn nhận lại mình, rút ra bài học kinh nghiệm. Trong đó, sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết là vô cùng cần thiết để phát triển bền vững. Ngoài sản xuất lúa gạo, còn có thể liên kết để tái chế phụ phẩm (dầu gạo, thức ăn chăn nuôi, năng lượng…) từ rơm rạ, trấu, cám… để nâng hiệu quả chuỗi giá trị gia tăng.
Xu thế hiện nay của thế giới là lấy chất lượng hàng hóa làm tiêu chí hàng đầu, trọng yếu. Một số quốc gia rất coi trọng chất lượng như Hàn Quốc, nếu chỉ một lần không đạt chất lượng thì DN đó khó trúng thầu lần hai.
Cơ hội cho nhà thầu Việt gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực điện gió
Ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc đầu tư phát triển và dịch vụ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
Nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo. Số liệu thống kê cho thấy, hiện tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió trung bình tại Việt Nam chỉ ở mức 30% đối với dự án ngoài khơi và khoảng 40% với dự án trong bờ. Như vậy, khoảng 60% cơ hội tại các dự án điện gió đang thuộc về các nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực này có thể cải thiện trong tương lai. Thời gian qua, trong khi chờ các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã tham gia đấu thầu một số dự án ở Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… để chen chân vào thị trường quốc tế.
Theo Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh. Điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới.
Để tạo sức bật cho nhà thầu Việt tham gia các dự án này, về phía Nhà nước cần có quy định về tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình tăng dần, trong đó định hướng rõ tỷ lệ nội địa hóa phải đạt được. Cần có quy hoạch về hạ tầng (cảng biển, bãi chế tạo, cảng dịch vụ) để đón đầu và tạo điều kiện cho DN trong nước đầu tư vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc quy hoạch triển khai các dự án theo thời gian cần phù hợp với năng lực của chuỗi cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà cung ứng chuẩn bị nguồn lực đầu tư nắm bắt cơ hội. DN cũng cần liên kết để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh…
Không nên yêu cầu nhiều loại giấy tờ, thủ tục gây khó nhà thầu
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh
Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực phân bón, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn khi tham gia các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Chủ đầu tư/bên mời thầu không có sự phân biệt giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, bởi chất lượng hàng hóa trong nước hiện rất tốt. Minh chứng cho điều này là thời gian qua, mặt hàng phân bón của Việt Nam được xuất khẩu với khối lượng lớn.
Tuy nhiên, ở một số gói thầu mua sản phẩm phân bón trong nước vẫn có tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải cung cấp nhiều loại giấy tờ gây khó khăn và phát sinh chi phí không cần thiết cho nhà thầu. Chẳng hạn, một sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam chỉ cần quyết định về việc công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là đáp ứng, nhưng nhiều HSMT vẫn yêu cầu chứng nhận hợp quy, tiếp nhận hợp quy…
Thực tế cho thấy, HSMT mỗi nơi đòi hỏi một kiểu, mỗi chủ đầu tư áp dụng một tiêu chí nên rất khó cho nhà thầu. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư/bên mời thầu không nên đưa ra yêu cầu thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho nhà thầu…
Loại bỏ tư duy “sính ngoại” trong đấu thầu
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu
Năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu về công việc của DN Việt khá tốt, thậm chí cạnh tranh được với các DN nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có hai vấn đề phát sinh. Thứ nhất, những gói thầu quy mô lớn thường thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn nên HSMT chặt chẽ mà một số DN Việt chưa quen với quản trị hệ thống theo chuẩn mực quốc tế sẽ lúng túng. Thứ hai, DN Việt có rất nhiều thế mạnh nhưng thường không tập trung cho một thế mạnh cụ thể mà dàn trải ra nhiều lĩnh vực. Vì vậy, khi đấu thầu một gói thầu cụ thể, họ thường thất bại. Một vấn đề quan trọng nữa là yếu tố tâm lý “sính ngoại”, cho rằng các DN ngoại là mạnh, khiến cho nhà thầu Việt và hàng Việt thua thiệt. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi có thể thấy, các yếu tố ngoại đôi khi là một trở ngại do đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa từ nước ngoài để thực hiện các gói thầu.
Bên cạnh đó, phải thay đổi tư duy về đấu thầu thì nhà thầu Việt và hàng Việt mới có cơ hội trúng thầu nhiều hơn. Theo đó, giá chưa phải là mấu chốt của việc chọn nhà thầu, mà mấu chốt là ở đề bài. Đề bài phải có những thang điểm cụ thể và hạn chế tối đa việc áp dụng một túi hồ sơ. Nên chọn phương thức hai túi hồ sơ, nghĩa là túi hồ sơ thứ nhất phải đáp ứng tất cả các tiêu chí trong HSMT, từ kinh nghiệm đến nhân lực và đặc biệt là thuyết phục về phương án thi công, vật tư trang thiết bị, các đặc tính, chủng loại hàng hóa thì mới được mở túi hồ sơ thứ hai về giá và phương án thanh toán. Nên chọn nhà thầu uy tín và tạo ra sản phẩm chất lượng với giá hợp lý nhất, chứ không phải đấu thầu để chọn nhà thầu giá rẻ. Đã có những bài học về chọn nhà thầu giá rẻ khiến cho gói thầu hơn một thập kỷ trôi qua vẫn chưa thể nghiệm thu.
Tạo “sân chơi” cạnh tranh công bằng cho hàng Việt
Ông Phan Xuân Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3
Trong các gói thầu, dự án ngành điện, các nhà sản xuất, nhà thầu trong nước đã sản xuất, cung ứng được hầu hết các sản phẩm thông thường như: dây, cột, máy biến thế, công tơ, phụ kiện. Đối với các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao (thiết bị điều khiển…) thì vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác. Với năng lực sản xuất như vậy, các nhà sản xuất trong nước có thể đưa hàng Việt vào các gói thầu ngành điện ngày càng nhiều. Thực tế, có gói thầu tỷ lệ hàng Việt chiếm tới 90 - 100%. Nhờ vậy, công tác đấu thầu trong ngành có sự cạnh tranh cao. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng phải cạnh tranh với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu là về giá.
Để hàng Việt hiện diện nhiều hơn trong các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước, cần có chính sách ưu tiên cho hàng Việt trong mua sắm công; có định hướng ưu tiên cho nhà thầu, đặc biệt là nhà sản xuất khi tham dự thầu.
Mặc dù trong ngành điện, đa số gói thầu/dự án lựa chọn nhà thầu với sự cạnh tranh cao, sòng phẳng, nhưng đâu đó vẫn còn một số gói thầu đưa ra các tiêu chí cài cắm, hạn chế nhà thầu, nhà sản xuất có năng lực tham gia. Do vậy, pháp luật về đấu thầu cần tạo “sân chơi” thực sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà thầu cung ứng hàng Việt. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra các tiêu chí thiếu cạnh tranh, không minh bạch; tránh việc tạo điều kiện cho một DN nào đó trúng thầu.
Nâng cao năng lực sản xuất để định danh hàng Việt trong đấu thầu
Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Thương mại Song Quỳnh
Quá trình tham dự các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp nặng như thủy điện, truyền tải điện, dầu khí, xi măng..., chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ sản phẩm, thiết bị nhập ngoại thường lớn hơn nhiều so với hàng Việt. Tại một số gói thầu có lô thầu cung cấp vật tư tiêu hao nhỏ lẻ như bu lông, dầu nhớt, vật tư đồ gá..., hàng sản xuất trong nước có thể được sử dụng để chào thầu và có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, những mặt hàng này thường chiếm tỷ trọng nhỏ, không đáng kể trong tổng giá gói thầu.
Ngoài ra, tại một số gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị là hàng sản xuất được trong nước, giá chào thầu của những nhà cung cấp hàng “thuần Việt” thường cạnh tranh hơn rất nhiều so với giá hàng hóa xuất xứ từ các nước G7. Tuy nhiên, nếu làm phép so sánh tương tự về giá với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, thì hàng Việt lại kém cạnh tranh hơn.
Có thể thấy rằng, trong một số lĩnh vực, đơn cử như điện lực, các nhà thầu Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc cung ứng sản phẩm thuần Việt. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực thuộc công nghiệp nặng, để hàng Việt chiếm ưu thế là một quá trình dài và đầy nỗ lực, mà việc trước tiên là cần nâng cao trình độ, năng lực sản xuất trong nước.
Cần giải pháp mạnh hơn thúc đẩy sử dụng hàng hóa trong nước
Ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân
Là nhà sản xuất, cung ứng vật tư, thiết bị điện lâu năm trên thị trường Việt Nam, Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân có kinh nghiệm tham dự và trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực này. Quá trình tham dự thầu, nhà thầu nhận thấy tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác hàng Việt “len lỏi” vào các gói thầu ngành điện, với mức giảm giá cạnh tranh hơn, gây nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một tỷ lệ nhỏ các gói thầu bao hàm một số tiêu chuẩn đánh giá mang tính định hướng, tạo ưu thế cho hàng ngoại nhập. Theo đánh giá, các chính sách như xét giá ưu đãi, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật tư thiết bị nhằm đảm bảo chất lượng điện trong quá trình vận hành đã góp phần hỗ trợ DN trong nước phát triển, đồng thời là công cụ hữu hiệu góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng. Để hạn chế tình trạng này, chủ đầu tư nên đánh giá năng lực sản xuất của DN không chỉ thông qua hồ sơ, mà cần kết hợp tham khảo và đánh giá năng lực thực tế.
Ngoài ra, cần tiếp tục có giải pháp mạnh hơn trong việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước như: tuân thủ bộ tiêu chuẩn vật tư thiết bị của ngành điện, không xây dựng thêm các tiêu chí kỹ thuật ngoài bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành không phù hợp điều kiện Việt Nam...
Năng lực và uy tín giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội trúng thầu
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam
Để trúng thầu ở nước ngoài, đòi hỏi nhà thầu Việt phải có năng lực thực sự, thể hiện bằng trình độ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng, độ tin cậy. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, chữ tín càng rất quan trọng, vì đối tác không thể tiếp cận trực tiếp để đánh giá DN nên phải làm sao để chứng minh DN có độ tin cậy cao.
Vừa qua, công ty chúng tôi trúng một hợp đồng ở Na Uy trị giá 5 triệu USD, dù chưa làm với họ bao giờ. Qua các vòng đàm phán online, đối tác thấy cách làm việc của chúng tôi chuyên nghiệp, cung cấp đầy đủ các tài liệu đúng yêu cầu, am hiểu về sản phẩm nên chủ đầu tư tin tưởng giao cho Công ty thực hiện. Tất nhiên, trước đó, họ cũng đã kiểm tra năng lực qua các kênh khác như AmCham, EuroCham - nơi công ty chúng tôi có tham gia những gói thầu tương tự của các DN hội viên.