Nâng hạng thị trường vốn để đón dòng tiền lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tìm được vốn mới, thị trường vốn Việt Nam phải vượt qua thực trạng “giao dịch 3 chữ cái” và tập trung cho mục tiêu đáng nhất: nâng hạng. Đó cũng là mục tiêu Chính phủ đã đặt ra từ 4 năm trước, nhưng nếu không nỗ lực, cái hẹn năm 2025 sẽ vuột qua…
Một trong các tiêu chí nâng hạng thị trường vốn là khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ. Ảnh: Tường Lâm
Một trong các tiêu chí nâng hạng thị trường vốn là khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ. Ảnh: Tường Lâm

Vượt qua tình trạng giao dịch “3 chữ cái”

Trong góc nhìn của mình, ông Phan Long, Giám đốc Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho rằng, chỉ khi thị trường vốn được nâng tầm về chất mới mang lại giá trị thực sự cho các chủ thể tham gia, nhất là các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nếu cứ để tiếp tục hiện trạng thị trường chỉ là nơi “giao dịch 3 chữ cái” (giao dịch cổ phiếu) thì không có tác động gì đến sự tăng trưởng thực sự. Theo ông Phan Long, nâng hạng thị trường là việc đáng tập trung triển khai, bởi có nâng hạng mới có thể đón được dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Dòng tiền chuyên nghiệp và mới mẻ chảy qua các công cụ tài chính sẽ giúp được doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, cổ đông và nhà đầu tư được hưởng lợi thực chất.

Chia sẻ của ông Phan Long rất đáng suy ngẫm khi nhìn vào hiện trạng thị trường vốn Việt Nam trong 3 năm gần đây. Thành tích ấn tượng nhất trong giai đoạn 2020-2022 là số tài khoản mới được mở trên thị trường chứng khoán (TTCK). Theo đó, có hơn 3,64 triệu tài khoản được mở mới 3 năm qua (2020-2022), lớn hơn tổng số tài khoản được mở trong 20 năm liền trước đó cộng lại (2,37 triệu). Đi kèm với đó, TTCK Việt Nam có nhiều phiên thanh khoản đạt đến tỷ USD, cũng ghi dấu ấn phát triển cho một giai đoạn thị trường. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của việc tạo lập TTCK - thực thể cốt lõi của thị trường vốn - là giúp được bao nhiêu doanh nghiệp huy động được vốn mới để “lớn lên” trong nền kinh tế, lại đang có câu trả lời không rõ ràng, xét trong 3 năm vừa qua.

Thực tế cho thấy, trong 3 năm qua, khoản vốn các doanh nghiệp huy động được nhiều nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ (giai đoạn 2020 - 2022, bình quân khoảng 500.000 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, do một thời gian dài hoạt động phát hành riêng lẻ hầu như không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý, nên hậu quả nhãn tiền là ngày càng nhiều thương vụ doanh nghiệp không trả được gốc và lãi đúng hạn cho nhà đầu tư. Theo thống kê của FiinGroup, đến nay, có 64 doanh nghiệp đã công bố chính thức việc không trả được lãi và nợ vay trái phiếu đúng hạn.

Khi thực trạng “giao dịch 3 chữ cái” là câu chuyện chủ đạo trên thị trường vốn, nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt, có khát vọng quảng bá tên tuổi để huy động vốn mới, lớn lên trên thương trường dường như không còn mặn mà đưa cổ phiếu lên sàn. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM cho biết, nếu như những năm như 2017, 2018, 2010, 2011 có tới 20, 30, 35, thậm chí 80 doanh nghiệp đưa cổ phiếu vào niêm yết, thì năm 2022, chỉ có chưa đầy 10 doanh nghiệp “chịu khó” lên sàn. Bên cạnh lý do khó khăn chung của bối cảnh tài chính thế giới cũng như Việt Nam, việc thị trường vốn chưa chứng minh được sức mạnh nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và huy động dòng vốn lớn, vốn chuyên nghiệp, có thể là một yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp sao lãng việc niêm yết.

Cần xây dựng Đề án nâng hạng thị trường vốn Việt Nam để các bộ, ngành cùng hợp sức lại, thực thi mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Ảnh: Tường Lâm

Cần xây dựng Đề án nâng hạng thị trường vốn Việt Nam để các bộ, ngành cùng hợp sức lại, thực thi mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Ảnh: Tường Lâm

Nâng hạng: Không hợp sức là hụt mục tiêu

Trước thực trạng khó khăn trong tiếp cận vốn mới của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần có ngay một Đề án xúc tiến mục tiêu nâng hạng thị trường vốn Việt Nam. Theo ông Lực, nếu không nâng hạng, thị trường vốn sẽ tiếp tục đuối sức và kênh dẫn vốn trong nền kinh tế tiếp tục dồn lên hệ thống ngân hàng, tạo nên bức tranh ngày càng mất cân đối trên thị trường tài chính.

Vì sao việc nâng hạng thị trường vốn lại quan trọng như vậy? Theo nhiều chuyên gia, nếu không nâng hạng, sẽ không thể thu hút được dòng vốn lớn từ quốc tế, do các quỹ đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp có những tiêu chuẩn rõ ràng trong phân bổ vốn đầu tư trên toàn cầu. Với thị trường như Việt Nam - thị trường cận biên, hiện tại, các quỹ lớn hầu như không quan tâm, hoặc nếu có, họ cũng chỉ phân bổ một tỷ lệ đầu tư rất nhỏ. Khi dòng vốn lưu chuyển trên thị trường chỉ quẩn quanh trong những tài khoản nội, sẽ không tạo nên sự thay đổi về chất và không giúp doanh nghiệp Việt lớn lên.

Trên thế giới hiện có 3 tổ chức xếp hạng thị trường vốn, gồm MSCI (Morgan Stanley Capital International), FTSE (Financial Times Stock Exchange) và S&P Global, trong đó với Việt Nam, đích hướng đến là được MSCI nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi” vào năm 2025, theo Quyết định số 242/2019/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, MSCI đã xếp hạng thị trường vốn của 70 quốc gia, trong có 24 quốc gia thuộc nhóm cận biên, 23 thuộc mới nổi và 23 thuộc nhóm thị trường phát triển. Thị trường vốn Việt Nam đang ở nhóm cận biên và để được nâng hạng, Việt Nam phải đạt đủ các tiêu chí định lượng, đồng thời phải được các nhà đầu tư quốc tế mà MSCI tham khảo ý kiến, đồng ý việc này.

Các tiêu chí MSCI xem xét gồm 5 nội dung chính: quy mô thị trường; đối xử bình đẳng về sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài; khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ; phương thức thanh toán sau giao dịch và mức độ khả dụng của các công cụ tài chính. Việt Nam gặp khó ở tiêu chí đối xử bình đẳng về sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài và khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ. Đây là lý do chính khiến TS. Cấn Văn Lực nóng lòng đề nghị cần xây dựng Đề án nâng hạng thị trường vốn Việt Nam để các bộ, ngành cùng hợp sức lại, thực thi mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm cho rằng, nâng hạng là hướng đi tốt nhất cho thị trường vốn Việt Nam để rộng cửa đón vốn mới từ các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế. Mục tiêu này trở nên đáng làm hơn cả trong bối cảnh hiện nay, khi tất cả đều thấy rõ một hiện trạng, doanh nghiệp Việt Nam rất khó xoay xở tìm vốn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, bộ ngành, các doanh nghiệp cũng cần vào cuộc cải thiện chính mình. Nhà đầu tư quốc tế sẽ không thể biết doanh nghiệp là ai nếu họ chỉ tiếp cận được các bản công bố thông tin bằng tiếng Việt. Năm 2012, Việt Nam là thành viên tích cực nhất tham gia Chương trình Thẻ điểm chấm điểm quản trị công ty ASEAN (gồm 6 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam), nhưng chưa bao giờ thứ hạng của doanh nghiệp Việt Nam vượt qua vị trí thứ 6. Trong các kỳ chấm điểm, nước ta luôn hụt tiêu chuẩn tối thiểu, đó là chọn 100 doanh nghiệp vào “thi” với khối doanh nghiệp ASEAN. Gần nhất, năm 2021, trong 1.500 doanh nghiệp đại chúng (niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK nước ta), chỉ có 87 doanh nghiệp có công bố thông tin bằng tiếng Anh; năm 2019, con số này là 82 doanh nghiệp… Thực tế này cho thấy, nếu không có sự cộng lực từ chính cộng đồng doanh nghiệp, thì dù các tiêu chí để nâng hạng có được xử lý, nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ tiếp tục “lắc đầu” với thị trường vốn Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục