Nếu chênh lệch giữa thực tế giải ngân vốn với tổng mức đầu tư dự án BOT lớn hơn 15% thì có nghĩa là nhà đầu tư “tay không bắt giặc” khi làm dự án BOT. Ảnh: Lê Tiên |
Nguy cơ vốn vay cao hơn giá trị thực của công trình BOT
Theo tổng kết của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong 9 tháng đầu năm 2016, qua ban hành 19 kết luận thanh tra dự án BOT, Bộ này đã kiến nghị giảm trừ trên 2.000 tỷ đồng so với hợp đồng BOT, kiến nghị rà soát để quyết toán và xử lý kinh tế với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Và sau khi tiến hành thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với 8 dự án BOT đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1A (phần sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ) tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, Bộ Tài chính cũng đã phát hiện việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư ở 8 dự án này chưa chính xác với số tiền lên đến 1.867 tỷ đồng.
Giải thích với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP thuộc Bộ GTVT cho biết, một số dự án BOT có tới 26% vốn dự phòng trong tổng mức đầu tư, nhưng trên thực tế có những dự án BOT chưa tiêu đến hoặc chưa tiêu hết phần vốn dự phòng đó, nên giá trị giải ngân thực tế của công trình BOT thường thấp hơn tổng mức đầu tư dự án BOT.
Một nguồn tin khác của Bộ GTVT cũng cho biết, hiện công tác quyết toán các dự án BOT đang dở dang, rất ít dự án BOT đã được quyết toán hoàn thành nên rất khó để biết được độ vênh thực tế giữa giá trị quyết toán với tổng mức đầu tư của dự án BOT.
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tổng mức đầu tư dự án BOT được lập không chính xác, tại một số dự án BOT đã thanh tra thì tổng mức đầu tư cao hơn thực tế thực hiện công trình rất nhiều, nên nguy cơ vốn vay ngân hàng cao hơn giá trị thực của công trình BOT là có thật. Ông Sơn lấy ví dụ, nếu tổng mức đầu tư 1 dự án BOT là 1.000 tỷ đồng, theo quy định nhà đầu tư phải bỏ vào 150 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trên thực tế công trình hoàn thành chỉ cần đến 700 tỷ đồng thì rõ ràng, số tiền mà ngân hàng cho vay nếu giải ngân hết đã cao hơn giá trị của công trình 150 tỷ đồng. Ông Sơn cho rằng, trách nhiệm trong việc để tổng mức đầu tư dự án bị vống lên, không chính xác thuộc về cơ quan quản lý nhà nước lập và duyệt tổng mức đầu tư dự án, vì sau khi dự án được duyệt, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT.
Nhà đầu tư “tay không bắt giặc”?
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia xây dựng cho biết, cơ cấu vốn trong đa số các dự án BOT thời gian qua là 15% và 85% (nhà đầu tư phải đóng góp 15% vốn chủ sở hữu, 85% vốn còn lại là vay ngân hàng thương mại). Nếu chênh lệch giữa thực tế giải ngân với tổng mức đầu tư dự án BOT lớn hơn 15% thì có nghĩa là nhà đầu tư chỉ sử dụng vốn vay của ngân hàng để làm dự án BOT, việc đóng góp 15% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư vào dự án BOT chỉ là hình thức, trên thực tế nhà đầu tư không phải bỏ một đồng nào vào dự án. Bản thân nhà đầu tư đã có lãi trong quá trình xây dựng dự án BOT khi vốn vay của ngân hàng còn lớn hơn vốn đổ vào công trình BOT. Thực tế là một số nhà đầu tư đã “lách” việc đóng góp 15% vốn chủ sở hữu vào dự án BOT bằng cách thành lập doanh nghiệp xây dựng và cho tạm ứng hợp đồng thi công để rút ra số tiền tương ứng 15% vốn góp của mình.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo, phía ngân hàng cho vay phải có cơ chế giám sát vốn để tránh rủi ro về tín dụng, việc giải ngân cho vay vốn cần theo tiến độ thực hiện dự án BOT, tránh trường hợp “nhắm mắt” cho vay thì nguy cơ nợ xấu sẽ rất cao khi tài sản thế chấp cho vay (quyền thu phí hoàn vốn công trình BOT) có giá trị nhỏ hơn nhiều so với phần vốn đã đổ vào đây.