Năng lực của nhiều chủ đầu tư: “Mắt xích” yếu trong tổ chức đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2023 của nhiều địa phương đều đánh giá, hầu hết tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu đều liên quan đến chủ đầu tư, từ năng lực thực hiện hạn chế đến vai trò, trách nhiệm đối với công tác đấu thầu chưa được các chủ đầu tư quan tâm, chú trọng.
Nhân sự làm công tác đấu thầu của nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT hồ sơ yêu cầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Nhân sự làm công tác đấu thầu của nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT hồ sơ yêu cầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An cho biết, một số chủ đầu tư trên địa bàn triển khai tổ chức đấu thầu chậm, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư. Năng lực cán bộ thực hiện công tác đấu thầu còn hạn chế, thực hiện chưa đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư trong các bước thực hiện đấu thầu. Vẫn còn đơn vị chậm đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định; đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin trong hồ sơ mời thầu. Một số chủ đầu tư giải quyết kiến nghị không triệt để, kéo dài dẫn đến kiến nghị vượt cấp, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện gói thầu, dự án. Ngoài ra, còn một số sai sót như: các nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu được trình và phê duyệt không đầy đủ theo quy định; khi đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), chưa làm rõ hết các nội dung có thể làm rõ. Bên cạnh đó, công tác báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu chưa được tuân thủ nghiêm túc, còn chậm trễ, gây khó khăn cho cơ quan tổng hợp báo cáo.

UBND tỉnh Bến Tre nhận định, nhân sự làm công tác đấu thầu của nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu. Công tác thẩm định HSMT chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao, dẫn đến các tiêu chuẩn trong HSMT chưa rõ ràng, chưa phù hợp, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT. Việc quản lý sau đấu thầu chưa được các chủ đầu tư quan tâm, chú trọng, dẫn đến trường hợp gia hạn hợp đồng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của các chương trình/dự án. Một số chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bến Tre đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu chậm so với quy định.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, điểm hạn chế rõ nét trong hoạt động đấu thầu năm 2023 của địa phương chính là chất lượng báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu chưa cao, nội dung sơ sài, số liệu còn sai sót, không đầy đủ, không đúng quy định. Đa số chủ đầu tư chưa đánh giá được tình hình công tác quản lý trong đấu thầu của ngành, của địa phương.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, tồn tại “nổi cộm” trong công tác đấu thầu năm 2023 của địa phương này là tình trạng không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu, tiêu chí đánh giá trong HSMT không phù hợp với tính chất kỹ thuật của gói thầu, lựa chọn nhà thầu không chặt chẽ dẫn đến kiến nghị.

Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, năng lực của một số chủ đầu tư cấp xã có chuyển biến nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ được giao, thiếu những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn nên việc triển khai thủ tục đấu thầu các gói thầu xây dựng cơ bản còn lúng túng, mất nhiều thời gian trong khâu lập HSMT.

Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai đánh giá, những hạn chế, tồn tại trong quản lý và thực hiện đấu thầu của địa phương này năm 2023 là do tinh thần trách nhiệm trong tổ chức đấu thầu của các chủ đầu tư chưa cao, thiếu chủ động triển khai công việc, báo cáo công tác đấu thầu không đúng thời gian quy định…

Báo cáo công tác đấu thầu năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong quá trình đánh giá HSDT, một số chủ đầu tư chưa rà soát hết các nội dung cần làm rõ trước khi mời nhà thầu đối chiếu HSDT và thương thảo hợp đồng, gây hiểu nhầm đối với nhà thầu. Trong quá trình giải quyết kiến nghị, chủ đầu tư chưa lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan trước khi đánh giá, trả lời nhà thầu dẫn tới kiến nghị nhiều lần.

Phía UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá, một số chủ đầu tư còn chậm thực hiện dự án, chưa chủ động trong công tác đấu thầu, phối hợp không chặt chẽ với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương có dự án để tổ chức triển khai thi công…

Bên cạnh đó, theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Tháp, một số hạn chế cần khắc phục thời gian tới là việc chủ đầu tư chậm đăng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các gói thầu tư vấn được chỉ định thầu nhưng chưa có dự toán gói thầu được duyệt; đồng thời không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu này. Chủ đầu tư chưa quan tâm xử lý nhà thầu vi phạm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và chậm giải ngân vốn đầu tư. Chủ đầu tư chỉ định thầu cho các đơn vị tư vấn mới thành lập, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, dẫn đến lựa chọn nhà thầu chậm kế hoạch…

Tin cùng chuyên mục