Các ngân hàng đều phải xây dựng kế hoạch giảm lãi vay
Sau động thái giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay của một loạt ngân hàng thương mại lớn (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) và một số ngân hàng thương mại cổ phần như SHB, Techcombank, TPBank, làn sóng hạ lãi suất vẫn chưa lan tỏa được nhiều. Đó chính là lý do mà từ đầu tuần đến nay, NHNN liên tục có văn bản hối thúc các ngân hàng báo cáo tình hình hạ lãi suất.
Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nay, chênh lệch lãi suất cho vay của các ngân hàng không lớn, chỉ trên dưới 2%, nên dư địa hạ lãi suất không nhiều. Hơn nữa, “mùa” tín dụng sắp bắt đầu, nên giảm lãi vay đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng.
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại nhiều ngân hàng, tín dụng 5 tháng đầu năm đã tăng 6 - 8%. Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp nông thôn (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) cho hay, năm nay, sức khỏe doanh nghiệp cải thiện, các ngân hàng cũng cải thiện về cơ chế, khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp tốt hơn.
Thực tế, dù đã được cải thiện, song việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, một phần do lãi suất cao và điều kiện vay vốn khắt khe. Do đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Trước chỉ đạo đó, từ đầu tuần đến nay, NHNN liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp theo kế hoạch để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, báo cáo định kỳ cho NHNN.
Trước đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Yêu cầu đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Trước chỉ đạo hạ lãi suất của Chính phủ, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó tổng giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cho hay, VietABank và nhiều ngân hàng đều có kế hoạch giảm lãi suất cho vay, trước mắt là sẽ giảm lợi nhuận, giảm chi phí để thực hiện mục tiêu này.
Đợi “quà” từ NHNN?
Nhiều ngân hàng thương mại cho hay, hiện nay, dư địa giảm lãi suất không nhiều, trừ khi có sự hỗ trợ về nguồn vốn từ phía NHNN. Được biết, một số ngân hàng đã ngỏ ý “xin” NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản để có thêm nguồn vốn rẻ cho vay.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, nếu NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giảm dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh khoản, thì sẽ có thêm ngay 100.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Một giải pháp nữa được các ngân hàng thương mại đề xuất là NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn đối với trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Hiện nay, số nợ mà các ngân hàng bán cho VAMC rất lớn, số lượng trích lập hàng năm cũng rất nhiều, nhưng đa phần số trái phiếu thu về vẫn nằm im trong kho của các ngân hàng thương mại, chưa thể sử dụng để cầm cố vay vốn từ NHNN, dù quy định hiện hành đã cho phép.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để giảm lãi suất, NHNN chỉ có thể thực hiện bằng cách nới lỏng tiền tệ. Cụ thể là giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu NHNN để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng…
Mặc dù nhiều đề xuất xin được NHNN bơm thêm tiền đã được đưa ra, song chưa có dấu hiệu cơ quan này sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bởi giải pháp này sẽ gây khó cho cả hai nhiệm vụ quan trọng nhất của NHNN: đảm bảo an toàn hệ thống và nâng cao giá trị tiền đồng (kiềm chế lạm phát). Trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, NHNN sẽ rất cân nhắc trong việc nới lỏng cung tiền.
Bên cạnh đó, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục giữ tốc độ phát hành trái phiếu chính phủ như hiện nay, thì lãi suất cũng rất khó giảm thêm.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc trái phiếu chính phủ phát hành quá nhiều đang hút một lượng lớn vốn của nền kinh tế, khiến chức năng của ngân hàng có thể bị lệch lạc.
“Mấy năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam có xu hướng huy động vốn từ người dân và dồn tiền đó vào mua trái phiếu. Ngân hàng đang quay về phục vụ Nhà nước và ít phục vụ doanh nghiệp hơn. Lãi suất trái phiếu tốt, ổn định và an toàn là những điểm khiến kênh huy động này hấp dẫn ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài thì chức năng là kênh huy động vốn phục vụ các thành phần kinh tế của ngân hàng có thể bị lệch lạc”, ông Thiên cảnh báo.