Vietcombank thu về 342,6 tỷ đồng từ thoái vốn tại SaigonBank và CFC. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân hàng đồng loạt thoái vốn
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thoái vốn thành công tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) và Công ty CP Tài chính xi măng (CFC).
Cụ thể, 13,25 triệu cổ phần SaigonBank (tương đương 4,3% vốn điều lệ) được bán đấu giá thành công với giá bình quân là 20.100 đồng/CP và 6,6 triệu cổ phần CFC (tương đương gần 11% vốn điều lệ) được bán thành công với giá bình quân 11.554 đồng/CP. Thông qua 2 thương vụ này, Vietcombank thu về 342,6 tỷ đồng và ước lãi 148,2 tỷ đồng (lãi từ thoái vốn SaigonBank là gần 143 tỷ đồng, từ CFC là 5,3 tỷ đồng).
Sau khi thoái vốn khỏi SaigonBank và CFC, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Phương Đông (hiện đang nắm giữ 4,72% vốn với giá trị 144,8 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân Đội (hiện đang nắm giữ 7,16% vốn với giá trị gần 1.243 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Xuất - Nhập khẩu Việt Nam (nắm giữ 8,19% vốn với giá trị 582 tỷ đồng).
OceanBank cũng bán thành công toàn bộ 4 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG với giá đấu thành công bình quân 10.640 đồng/CP, cao hơn một chút so với giá khởi điểm 10.638 đồng/CP. Trước đó, OceanBank đã nhận được công văn của Thanh tra giám sát NHNN yêu cầu ngân hàng này bán cổ phần tại một số doanh nghiệp.
Sắp tới, Agribank cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty CP Du lịch thương mại nông nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam trong cùng ngày 15/12.
Nhiều tác động tích cực
Một điều dễ thấy là các doanh nghiệp được ngân hàng thực hiện thoái vốn đều hoạt động không hiệu quả. Như trường hợp, Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG có vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế 2 năm 2016 và 2017 không đến 1 tỷ đồng.
Tương tự, tại Công ty Tài chính CP Xi măng (CFC), nhiều năm liền, các cổ đông không được chia cổ tức. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ gần 605 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2015 và năm 2016 chỉ là 34,3 tỷ đồng và 3,78 tỷ đồng. Năm 2017, doanh nghiệp này cũng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế khiêm tốn là 9,63 tỷ đồng. Ngoài ra, như trường hợp của SaigonBank, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đến thời điểm 30/9/2017 là 2,75%, khá sát mức trần 3% theo quy định của NHNN.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn cho biết, về ngắn hạn, đây là yếu tố đáng mừng với nhà đầu tư nắm giữ CP tại các ngân hàng có hoạt động thoái vốn. Việc bán những loại cổ phiếu ngân hàng đang tăng rất mạnh như cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội giúp mang về lợi nhuận của các khoản đầu tư. Điều này giúp ngân hàng có nguồn tiền dồi dào có thể phục vụ sản xuất kinh doanh, hoặc tăng chi trả cổ tức.
Về dài hạn, việc thoái vốn cũng có tác động tích cực khi loại bỏ vấn đề: các ngân hàng sở hữu chồng chéo dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh và tính minh bạch không cao. Việc giảm sở hữu chéo sẽ giúp hệ thống trở nên minh bạch hơn, các tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế có cái nhìn tích cực hơn. Đây có thể là tiền đề để huy động vốn từ bên ngoài, thay vì chỉ trong nước.
Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi các công ty kinh doanh không hiệu quả sẽ giúp đẩy nhanh lộ trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời giúp các ngân hàng thu hồi nguồn vốn dài hạn để có thể tiếp tục cung ứng vốn trung và dài hạn ra thị trường.