Ngân hàng than xử lý tài sản đảm bảo 'vướng trăm bề'

Thủ tục đem tài sản bán đấu giá quá nhiêu khê, thời gian khởi kiện kéo dài hàng năm trời, trong khi thi hành án lại không quy định thời hạn cụ thể... đã gây khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn tại các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng kêu gặp khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo.
Nhiều ngân hàng kêu gặp khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo.

Câu chuyện khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn lại một lần nữa "nóng" trong Hội nghị trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng với lãnh đạo UBND TP HCM diễn ra sáng nay. 

Theo chia sẻ của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - SCB, trường hợp một công ty vi phạm hoạt động tín dụng, ngân hàng đã khởi kiện 4 năm nhưng chưa được xét xử. Lý do là tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn tại ngân hàng hiện là tài sản cho thuê và cơ quan chức năng không thể mời người thuê lên làm việc, nên tòa chưa thể xét xử.

"Đây là những lý do hết sức bất cập và gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu", ông nói.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu -  ACB cũng than phiền việc tài sản thế chấp là vấn đề đang rất vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản đảm bảo nợ vay và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

Đại diện Agribank chi nhánh Sài Gòn thì than phiền thời gian kê biên xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án quá lâu. "Có hồ sơ của ngân hàng từ một đến 2 năm vẫn chưa thể hoàn tất được", ông nói.

Trước những vướng mắc trên, các ngân hàng kiến nghị UBND TP HCM nên chỉ đạo các cơ quan Nhà nước ban hành quy định cụ thể hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn xử lý các trường hợp chủ sở hữu tài sản bất hợp tác, trong đó đặc biệt là các trường hợp khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú để trốn tránh trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank thì kiến nghị cơ quan chức năng cho chuyển nợ thành vốn góp, vì thực tế đã xảy ra nhưng lại chưa đủ hành lang pháp lý để thực hiện.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng phản ánh tình trạng Toà án không nhận đơn kiện của tổ chức tín dụng khi không xác định được nơi cư trú hoặc nơi hoạt động của khách hàng vay nợ hoặc bên bảo lãnh (do khách hàng đổi nơi cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ).

Ngoài ra, Toà án một vài địa phương không nhận đơn hoặc đình chỉ xét xử với lý do tổ chức tín dụng không bổ sung biên bản từ chối giao tài sản đảm bảo hoặc chưa đến thời hạn trả nợ cuối cùng của hợp đồng tín dụng vào bộ hồ sơ khởi kiện, dù khách hàng đã vi phạm phân kỳ trả nợ....

Trước những bất cập liên quan đến pháp lý, ông Phan Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB kiến nghị nên cho phép những khoản vay phát sinh nợ xấu từ 500 đến 1 tỷ đồng thì nên để ngân hàng đưa ra trọng tài kinh tế giải quyết. Với trường hợp phải đưa ra toà án thì nên cho ngân hàng thương mại được phép tự lựa chọn toà án tốt để xử lý vụ việc.

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng đồng cảm và cho rằng, thời gian qua, dư luận phê phán ngành ngân hàng để nợ xấu cao, nhưng chưa công bằng trong việc nhìn nhận nguyên nhân một phần cũng do vướng cơ chế xử lý nợ xấu bên cạnh những rủi ro về đạo đức cán bộ ngân hàng.

Và theo ông Thanh, các vướng mắc pháp lý hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý triệt để các bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan tài sản đảm bảo cần có luật hóa rõ ràng. "Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành soạn thảo trình lên Chính phủ để có cơ hội trình lên Quốc hội sửa đổi cơ chế pháp lý nhằm xử lý nợ xấu rốt ráo hơn", ông nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM lần nữa tái khẳng định ngành ngân hàng là một trong 9 ngành mũi nhọn của thành phố. Theo ông Phong, đối thủ cạnh tranh của TP HCM chính là Seoul, Singapore, Kuala Lumpur… nên mục tiêu của Thành phố là ưu tiên về sáng tạo, phát triển những ngành có giá trị cao, giảm những ngành thâm dụng lao động. Do đó, ngân hàng là một trong những ngành được Thành phố rất quan tâm.

Đồng thời người đứng đầu UBND TP HCM cũng cho biết, Thành phố đang khởi sướng và đi đầu cả nước trong việc xây dựng ngân hàng 4.0, có khả năng đáp ứng tốt nhất với xu hướng toàn cầu hoá. "Chính quyền Thành phố sẽ xây dựng niềm tin cho các tổ chức tín dụng. Đây là yếu tố quan trọng để khơi thông các nguồn lực trong nhân dân", ông Phong nhấn mạnh.

Theo báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, đến cuối quý I/2017, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động tiền đồng đạt 1,57 triệu tỷ, tăng 0,88% so với cuối năm 2016, chiếm 87,47% tổng nguồn vốn; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2016 và giảm 6,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình cho vay, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/3/2017 dự ước đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 3% so vơi cuối 2016 và tăng 19,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dư nợ tiền đồng đạt 1,37 triệu tỷ, tăng 2,68% so với cuối năm 2016, chiếm hơn 90% tổng dư nợ. Dư nợ ngoại tệ đạt 147.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối 2016.

Tin cùng chuyên mục