Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP |
Vui mừng vì đã kết thúc được nhiệm vụ gian khổ và khó khăn; tự hào vì được trở thành một phần của sự kiện quan trọng mang tầm thế kỷ; buồn vì sẽ ít có cơ hội gặp lại đồng nghiệp từ 11 quốc gia khác mà vừa phút trước là “đối tác”, ngay phút sau lại trở thành “đối thủ”. Chỉ tham gia nửa sau của chặng đường đàm phán, song ngoài những kiến thức chuyên môn, TPP đã để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm thú vị.
Thất lạc hành lý
Đây có lẽ là chuyện mà có lẽ hầu như tất cả thành viên của Đoàn đàm phán Chính phủ đều đã được trải nghiệm; may mắn thì “hàng” sẽ tới vào ngày hôm sau, rủi ro hơn thì gần hoàn thành chuyến công tác mới nhận được hành lý, song còn có những trường hợp “đen đủi” nhất là về tới nhà (Việt Nam) mà hành lý vẫn lang thang đâu đó ở một châu lục khác.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là việc bị thất lạc hành lý khi tham gia đàm phán tại Hawaii (Hoa Kỳ). Tất cả đồng nghiệp bị thất lạc hành lý khi hạ cánh đã nhận lại được vào nửa đêm hôm đó… ngoại trừ tôi. Ở khách sạn thì không sao vì có thể dùng quần áo ngủ của khách sạn, song khổ nỗi sáng hôm sau là phiên họp chính thức mà tôi chỉ còn 1 bộ quần áo duy nhất mặc trên người trong suốt chặng đường hơn 20 giờ bay từ Hà Nội sang Hawaii. Bất chấp cả lít nước hoa đã được sử dụng, bộ quần áo vẫn tỏa ra mùi vô cùng “dễ chịu”, mà khổ hơn lại là quần hộp, áo phông, giày thể thao - vốn không phải trang phục phù hợp cho các phiên đàm phán. Phương án mượn quần áo đã được tính đến nhưng anh bạn đồng nghiệp cùng phòng lại vừa cao, vừa to.
Thật may là Đoàn đàm phán chủ nhà Hoa Kỳ đã gửi thông báo cho biết do vòng đàm phán lần này được tổ chức tại Hawaii nên các đoàn đàm phán sẽ không phải mặc trang phục trang trọng mà sẽ mặc theo phong cách thoải mái, tự do. Vậy là bộ trang phục bụi bặm của tôi lại trở thành hợp mốt.
Tác giả (trái) trong đợt đàm phán tại Hawaii, Hoa Kỳ
Bên cạnh việc thất lạc hành lý, chênh lệch múi giờ (jet lag) cũng là nỗi ám ảnh rất nhiều người trong quá trình đàm phán TPP, đặc biệt là những chuyến công tác ở những nước lệch hoàn toàn ngày - đêm với Việt Nam (Hoa Kỳ, Canada…).
Lần đầu tiên đàm phán ở Hoa Kỳ, về tới khách sạn vào lúc 1h chiều sau gần 24 tiếng trên máy bay và lê la trong phòng đợi, tôi không thể cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Khi tỉnh dậy, đồng hồ đang dừng ở con số 2 (2h sáng) và không thể chợp mắt được cho tới sáng. Song đến khoảng 3 - 4h chiều, cơn buồn ngủ lại ập đến đúng trong giờ làm việc. Lúc này, các loại café, trà đều được sử dụng tối đa để giữ cho bản thân tỉnh táo. Tệ hơn, tối hôm đó bạn sẽ lại tỉnh giấc vào lúc 2 - 3h sáng. Chu trình này cứ thế lặp lại trong vài ngày sau đó. Tới khi cơ thể bắt đầu điều chỉnh được nhịp sinh học để có được một giấc ngủ ngon, bạn sẽ phải chuẩn bị hành lý và về nước.
Được sự chỉ bảo của các “tiền bối”, sau khi ổn định chỗ ở tại khách sạn, tôi cố gắng xuống phố đi lang thang, nếu thời tiết quá lạnh thì đi bộ trong phòng tập, thậm chí ngồi chém gió với đồng nghiệp cùng phòng… Tóm lại là làm gì cũng được nhưng phải cách cái giường 5 m. Nếu cố gắng chống cự được tới khoảng 10h tối, bạn sẽ được hưởng một giấc ngủ ngon lành cho tới sáng hôm sau và điều chỉnh ngay được nhịp sinh học.
Một TPP đầy giông bão
Bão tuyết tại New York
Vòng đàm phán được tổ chức tại New York (Hoa Kỳ) đã được chứng kiến cơn bão tuyết lớn nhất trong hơn 70 năm gần đây tại thành phố này. Nhiều nhóm đàm phán xuất phát sau từ Việt Nam đã buộc phải đổi vé máy bay do sân bay tạm ngừng hoạt động vì tuyết rơi dày, không thể hạ cánh.
Trong khi đó, tại New York, các phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt… đều ngừng hoạt động, thành viên các nhóm đàm phán của Việt Nam có mặt tại New York được lệnh không được rời khỏi khách sạn, hẹn lại lịch làm việc với đối tác để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn. Ấy vậy mà, các đồng nghiệp đến từ Canada vẫn tỉnh queo vì đơn giản, với họ, cơn bão tuyết lớn nhất trong 70 năm trở lại đây ở New York chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
New York đông cứng vì bão tuyết
Bão Dolphin ở đảo Guam
Mặc dù là một hòn đảo giữa Thái Bình Dương, song do vị trí địa lý không nằm trong vùng hình thành và đường đi của các cơn bão, Guam hiếm khi được các cơn bão “ghé thăm”. Lần gần nhất cư dân trên quần đảo được “đón tiếp” một trận bão là năm 2002.
Nhưng rồi tháng 5/2015, Guam được đón tiếp một cơn bão mạnh có tên quốc tế là Dolphin (Cá heo) đúng vào thời điểm tổ chức một phiên đàm phán TPP.
Người dân trên đảo tất bật chuẩn bị đón bão, Chính quyền Guam liên tục đưa ra các cảnh báo, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người quản lý khách sạn nơi Đoàn đàm phán ở mỗi buổi sáng/tối đều đưa các tờ thông báo vào phòng, yêu cầu khách thuê phòng không được rời khỏi khách sạn. Các phương tiện tham gia giao thông, cả xe riêng và taxi, đều ngừng hoàn toàn hoạt động…
Một đồng nghiệp trong nhóm đàm phán mua sắm chính phủ của Hoa Kỳ rất lo lắng vì cô chưa bao giờ trải qua một cơn bão mạnh, nhất là sau khi được người lái taxi cho biết trong quá khứ Guam từng hứng chịu những cơn bão rất mạnh, có thể thổi bay cả chiếc xe hơi. Trong khi đó, các thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam đều rất bình thản vì những cơn bão như thế này vốn là “khách quen” của dải đất hình chữ S.