Nhà đầu tư nội và ngoại giao dịch khác nhau ra sao?

Khối ngoại mua vào khi VN-Index lên cao, bán khi thị trường ở vùng trũng còn nhà đầu tư nội bán ra khi thị trường tăng cao và bắt đáy lúc giảm. 

FiinGroup vừa có phân tích về diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nội và tác động đến thị trường chứng khoán. Theo đó, nhóm phân tích cho rằng, về cơ bản diễn biến và xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam là sự "đối trọng" về dòng tiền của hai nhóm nhà đầu tư này. 

Thay đổi dòng vốn FII và VN-Index từ năm 2005 (Đvt: Triệu USD). Ảnh:FiinPro

Như năm 2007, vốn đầu tư gián tiếp (FII) lên tới 6,2 tỷ USD, phần lớn tiền đổ vào chứng khoán bên cạnh trái phiếu và các khoản đầu tư cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết. Dòng tiền này giúp thị trường tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2008, với VN-Index đóng cửa ngày 3/1/2008 đạt đỉnh ở mức 908.25.

Diễn biến trong 5 năm trở lại đây cũng vậy. Năm 2017, khối ngoại mua ròng trên thị trường hơn 29.000 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD), giúp thanh khoản bình quân ngày đạt 4.500 tỷ đồng và VN-Index tăng 46,46%.

Năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 44.000 tỷ đồng (gần 1,9 tỷ USD) và 82% dòng tiền này được giải ngân trong 6 tháng đầu năm khi thị trường thăng hoa nhất với VN-Index đóng cửa trên 1.200 điểm – mức cao nhất trong gần hai thập kỷ. 

"Dòng tiền của khối ngoại được coi là một "chỉ dấu" quan trọng cho xu hướng thị trường. Và khi dòng tiền khối ngoại chảy vào chứng khoán Việt Nam, việc nguồn cung cổ phiếu hoặc "tiết cung" cổ phiếu ra sao sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của chỉ số và mặt bằng định giá nói chung", nhóm phân tích FiinGroup đánh giá.

Giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (Đvt: Nghìn tỷ đồng). Nguồn: FiinPro

Khi xét sự đối trọng này theo khoảng thời gian giao dịch hàng tháng, và tính về hiệu suất đầu tư, theo nhóm phân tích, dường như nhà đầu tư nội là "bên chiến thắng". 

Như năm 2019, nhà đầu tư nội bán ròng mạnh nhất trong tháng 2 (hơn 2.100 tỷ đồng) khi VN-Index có mức tăng theo tháng cao nhất trong năm, khoảng 6%. Cũng trong tháng này, nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng gần 1.400 tỷ đồng – mức mua ròng theo tháng mạnh nhất trong năm. 

Xét theo tháng, VN-Index trải qua 6 tháng tăng điểm và 6 tháng giảm điểm trong năm 2019. Trong các tháng VN-Index tăng điểm, nhà đầu tư nội đã bán ròng tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng còn khối ngoại mua ròng khoảng 669 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị bán ròng của khối ngoại nhiều gấp 7 lần giá trị bán ròng của khối nội trong trong những tháng giảm điểm. 

"Phân tích của chúng tôi đã chỉ ra rằng, khối nhà đầu tư trong nước về cơ bản là mua thấp bán cao và ở tuyến bên kia thì nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là tổ chức) là mua cao bán thấp. Quan sát này có thể cho thấy rằng trên bình diện chung, các nhà đầu tư nội có cơ hội thắng nhiều hơn là khối ngoại", nhóm phân tích nhận xét.

Dữ liệu giao dịch khớp lệnh hàng quý trên HoSE cũng chỉ ra rằng nhà đầu tư nội có vẻ là "bên chiến thắng". 

Xét theo quý, VN-Index có hai quý tăng và hai quý giảm. Khi thị trường thăng hoa trong quý I với VN-Index tăng gần 10%, khối ngoại mua ròng 2.200 tỷ đồng còn khối nội bán ròng 4.800 tỷ đồng. 

Tính chung trong hai quý giảm điểm (VN-Index giảm 3,9% trong quý II và 3,86% trong quý IV), tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nội chỉ bằng 1/3 giá trị bán ròng của khối ngoại. 

Tuy nhiên, khi xem xét giá trị giao dịch trong phiên khớp lệnh trên sàn HOSE theo khoảng thời gian theo tuần (5 ngày giao dịch), xu hướng này lại đảo ngược và nhà đầu tư ngoại lại trở thành "bên thắng cuộc" nhờ mua thấp bán cao.

Năm 2019 chứng khiến 27 tuần VN-Index tăng điểm, 1 tuần đi ngang và 23 tuần giảm điểm. Tổng giá trị mua ròng của khối nội nhiều gấp 4 lần giá trị mua ròng của khối ngoại trong các tuần tăng điểm trong khi giá trị bán ròng của hai khối là tương đương nhau trong các tuần giảm điểm.  

Tính chung cả năm 2019 trên cả hai sàn niêm yết và thị trường UPCoM, khối ngoại đã mua ròng 7.300 tỷ đồng (khoảng 310 triệu USD), giảm 83% so với năm 2018 và 74,3% so với năm 2017. Nếu không tính cổ phiếu VIC thì giá trị mua ròng giảm xuống chỉ còn 2.300 tỷ đồng, tương đương 8,1% giá trị mua ròng năm 2017 và 5,3% của năm 2018.

Cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, bán lẻ, thực phẩm & đồ uống được khối ngoại mua ròng nhiều nhất, nhưng giá trị mua ròng giảm rất nhiều so với hai năm trước đó. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành du lịch & giải trí, xây dựng & vật liệu, y tế, hóa chất và tài nguyên cơ bản bị bán ròng mạnh nhất.

Xét theo mức vốn hóa, khối ngoại vẫn ưa thích các cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn. Khối ngoại mua ròng khoảng 2.000 tỷ đồng cổ phiếu midcaps tương đương 1/3 giá trị mua ròng cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngược lại, nhóm nhà đầu tư này bán ròng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ năm thứ hai liên tiếp với giá trị 800 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục