Tại Gói thầu “Cung cấp vật tư, thiết bị điện phục vụ sửa chữa lớn năm 2018 Nhà máy Thủy điện sông Tranh 2”, Công ty NT Song Quỳnh phản ánh có hiện tượng nhà thầu và nhà SX thỏa hiệp với nhau trong việc cấp ủy quyền giấy phép bán hàng. Ảnh Internet |
Trượt thầu vì thiếu ủy quyền bán hàng
Trong đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng mới đây, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Thương mại Song Quỳnh (gọi tắt NT Song Quỳnh) cho rằng, có hiện tượng nhà thầu và nhà sản xuất thỏa hiệp với nhau trong việc cấp ủy quyền giấy phép bán hàng gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong đấu thầu.
Cụ thể, NT Song Quỳnh có tham gia Gói thầu “Cung cấp vật tư, thiết bị điện phục vụ sửa chữa lớn năm 2018 Nhà máy Thủy điện sông Tranh 2” do Công ty Thủy điện sông Tranh mời thầu. Tại gói thầu này, do nhà thầu có giá cạnh tranh nhất bị loại nên NT Song Quỳnh (có giá cạnh tranh thứ hai) được Bên mời thầu mời vào thương thảo hợp đồng.
Trong quá trình đánh giá, Công ty Thủy điện sông Tranh có một số nội dung đề nghị làm rõ về Giấy ủy quyền bán hàng của một số hàng hóa. Tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất, Công ty TNHH Azbil Việt Nam, đã từ chối cấp ủy quyền cho NT Song Quỳnh. Lý do là Azbil Việt Nam đã cấp ủy quyền bán hàng cho Công ty TNHH Vật tư và Thiết bị công nghiệp Hải Pháp, đối thủ của NT Song Quỳnh trong gói thầu nêu trên.
Điều đáng nói, theo ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Thương mại Song Quỳnh, mặc dù từ chối cấp ủy quyền, nhưng trong các giao dịch trước đó, Azbil Việt Nam vẫn gửi báo giá cho Nhà thầu. Cuối cùng, dù có giá dự thầu cạnh tranh, nhưng NT Song Quỳnh phải ngậm ngùi ra về, còn đối thủ có giá kém cạnh tranh hơn lại được mời vào thương thảo ký hợp đồng.
Theo tài liệu NT Song Quỳnh cung cấp, ngày 5/5/2018, Azbil Việt Nam đã từ chối cấp ủy quyền bán hàng cho Nhà thầu vì “Azbil đã hứa chỉ cấp ủy quyền bán hàng đối với Hải Pháp”. “Rõ ràng đây là sự thoả hiệp giữa nhà sản xuất và nhà thầu để khống chế gói thầu, cố tình không cấp ủy quyền bán hàng không có lý do chính đáng. Hành vi này là vi phạm pháp luật về đấu thầu”, Nhà thầu bức xúc. Hơn nữa, theo ông Tuấn, trong trường hợp này hàng hóa cung cấp cũng chỉ là hàng hóa thông thường, chứ không phải hàng hóa đặc thù, phức tạp.
Tuân thủ nghiêm túc về cạnh tranh
Tuy nhiên, theo chuyên gia về đấu thầu, hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu, pháp luật về đấu thầu quy định khá linh hoạt về Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Tức là đến khi trao hợp đồng thì nhà thầu mới cần cung cấp Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Tại Điều 6, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa có quy định về Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Thông tư nêu rõ: “Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác thì nhà thầu cần kịp thời phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi lên Bộ Công Thương để xử lý”.
Đối với tình huống nêu trên, chuyên gia cho rằng, nếu đại diện nhà sản xuất không giải thích thỏa đáng lý do từ chối cấp ủy quyền bán hàng thì NT Song Quỳnh có thể khởi kiện lên cơ quan cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là nội dung sẽ được đề cập tại Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới.