Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đều bị nợ đọng xây dựng, có những doanh nghiệp bị nợ đọng tới hàng nghìn tỷ đồng từ các chủ đầu tư. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, tuy còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã cố gắng khắc phục để triển khai sản xuất, kinh doanh, góp phần sớm phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó nợ đọng là bài toán khó mà hầu hết nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Không ít nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.
Theo số liệu được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn công bố, tại thời điểm ngày 31/3/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp là 1.539 tỷ đồng với 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu. Trong đó, công nợ tại các công trình mà chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân (vốn ngoài ngân sách) là 535 tỷ đồng. Số nợ này nếu tính theo năm là 506 tỷ đồng (khoản nợ trong thời gian 1 - 3 năm); 539 tỷ đồng (thời gian 3 - 5 năm); 149 tỷ đồng (nợ trên 5 năm).
Thông tin từ Tập đoàn Cienco4, tổng số nợ đọng của Tập đoàn hiện tại là 187 tỷ đồng, tập trung ở các công trình như cầu Đông Trù (22,5 tỷ đồng), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ đồng); Gói thầu J3 thuộc Dự án Bến Lức - Long Thành (19,7 tỷ đồng); cầu Trung Hòa (74,2 tỷ đồng)… Có những khoản nợ đọng kéo dài gần 10 năm chưa được quyết toán, đọng vốn.
Nguyên nhân của tình trạng này là sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư (vốn ngân sách nhà nước) chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã bàn giao. Với chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân thì có tình trạng chiếm dụng vốn, chây ì trả nợ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài do vướng mắc, chồng chéo các thủ tục, quy định cũng làm ảnh hưởng tới việc thu hồi công nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, nợ đọng xây dựng là vấn đề nhức nhối từ rất lâu, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để “trị” căn bệnh này. Theo khảo sát của VACC, hầu hết nhà thầu xây dựng đều có nợ đọng với mức độ tùy theo quy mô của doanh nghiệp. Hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng ở giá trị khối lượng còn lại từ 20 - 25% cuối của gói thầu/dự án. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được.
Trong khi đó, phần lớn nhà thầu sử dụng vốn vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao để thực hiện gói thầu, dự án. Lấy “nợ chồng nợ, lấy nợ kéo nợ” và “ráo mồ hôi là hết tiền là câu cửa miệng của tất cả doanh nghiệp làm xây dựng hiện nay", ông Hiệp nói và cho biết, nhiều nhà thầu xây dựng phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì trong khoảng 5 năm nữa, Việt Nam có thể sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng, ông Hiệp cảnh báo.
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đại diện VACC đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thống kê chính xác số lượng nợ đọng xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết nợ dồn toa, giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.
Với nợ đọng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, VACC kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% giá trị khối lượng cuối dự án để bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Trước mắt, cần có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng, kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.
Được biết, dự kiến ngày 18/8, tại Hà Nội, VACC sẽ tổ chức Hội thảo “Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp” với mong muốn ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng và các đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành liên quan trong việc giải quyết thực trạng nhức nhối về nợ đọng xây dựng hiện nay.