Nhà thầu hoang mang vì giá thép biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ tháng 1/2023 đến nay, giá thép âm thầm tăng tiếp 200.000 - 700.000 đồng/tấn và hiện neo mức rất cao, khiến hoạt động sản xuất, thi công của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống định mức, đơn giá lạc hậu so với diễn biến của thị trường, lại không được cập nhật thường xuyên càng khiến nhà thầu thiệt hại nặng nề.
Nhà thầu xây dựng các gói thầu sử dụng nhiều vật liệu thép và cấu kiện bê tông lao đao vì thép không ngừng tăng giá. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu xây dựng các gói thầu sử dụng nhiều vật liệu thép và cấu kiện bê tông lao đao vì thép không ngừng tăng giá. Ảnh: Lê Tiên

Thông tin đến Báo Đấu thầu, hàng loạt nhà thầu tại khu vực phía Nam cho biết ngay từ đầu tháng 2 đã liên tiếp nhận được thông báo tăng giá thép từ các nhà máy, nhà cung cấp.

Một nhà thầu chuyên thi công kè, cống thủy lợi có địa chỉ tại TP. Thủ Đức cho biết, thông báo mới nhất được công bố từ Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát Bình Dương, kể từ ngày 10/2/2023 tới, giá ống thép đen tăng 200 đồng/kg; ống thép mạ kẽm nhúng nóng tăng 200 đồng/kg và ống thép tôn mạ kẽm tăng 300 đồng/kg. “Giá thép âm thầm tăng liên tục từ đầu năm 2023 đến nay ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thi công của nhà thầu, nhất là các gói thầu thi công kè, cống thủy lợi sử dụng nhiều vật liệu thép lớn và cấu kiện bê tông. Đọc báo giá liên tục cập nhật của nhà cung cấp, nhà thầu nào cũng chóng mặt”, nhà thầu này cho biết.

Cũng theo nhà thầu, từ đầu tháng 2, Thép Hòa Phát điều chỉnh tăng 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240. Giá bán của 2 sản phẩm chủ lực của hãng này là thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 hiện tại đạt mức 15,45 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, các đơn vị thi công những công trình dân dụng sử dụng khối lượng thép lớn do Ban làm bên mời thầu thực sự hoang mang. Đầu năm 2023, hai công trình lớn do Ban làm bên mời thầu chính thức đi vào thi công gồm: Gói thầu Xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị (không bao gồm thiết bị sân khấu 2.000 chỗ) với giá 988,177 tỷ đồng thuộc Dự án Xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) do Liên danh Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng - Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 52 - Công ty CP Xây dựng số 5 trúng thầu với giá 2.059,153 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu đều có khối lượng sử dụng vật liệu thép rất lớn, ký hợp đồng đúng thời điểm giá thép biến động dữ dội khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.

Thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước đều tăng giá mạnh, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ảnh hưởng mạnh tới sức khỏe của nhà thầu xây dựng. Ảnh: Tiên Giang

Thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước đều tăng giá mạnh, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ảnh hưởng mạnh tới sức khỏe của nhà thầu xây dựng. Ảnh: Tiên Giang

Theo chia sẻ của một đơn vị thi công cầu, trong các loại thép xây dựng, hiện thép Việt Nhật đang đứng đầu về mức độ tăng giá tính từ thời điểm tháng 1/2023. Theo đó, hãng thép này tăng 710.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300. Kế tiếp là thép Việt Ý (xấp xỉ 510.000 đồng/tấn); thép Việt Sing tăng xấp xỉ 515.000 đồng/tấn.

Thầu phụ cung cấp vòm thép của Gói thầu Xây lắp cầu Trần Hoàng Na (thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị) - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh cho biết, cả thép nhập khẩu lẫn thép sản xuất trong nước đều tăng giá mạnh, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thực tế này đánh thẳng vào bài toán tài chính của nhà thầu. “Dự án để được phê duyệt dự toán phải mất từ 8 - 10 tháng, trải qua nhiều thủ tục khác, đến khi nhà thầu ký hợp đồng, giá thép thực tế đã tăng 10 - 20%. Các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh vẫn chưa phải là lối đi an toàn cho các bên khi dự toán, đơn giá đã lạc hậu lại được cập nhật theo từng địa phương. Cuối cùng, đối tượng thiệt hại lớn nhất vẫn là nhà thầu”, đơn vị này cho biết.

Đồng quan điểm, đại diện một nhà thầu đang thi công công trình cao tốc khẳng định, kể từ khi phát lệnh khởi công đến nay, giá thép đã âm thầm leo thang đến 10 - 13%. “Nhà thầu chưa thi công, giá đã đội so với hợp đồng khoảng 1.500 đồng/kg. Thép chiếm 15 - 17% giá trị các công trình giao thông, do đó tác động vô cùng lớn đến tình hình tài chính của nhà thầu. Đặc biệt, đối với các dự án lớn, hiện công tác đàm phán giá thép với các nhà cung cấp lớn gặp khó khăn, do các nhà cung cấp đều không chấp nhận cập nhật giá theo tháng/quý”, nhà thầu chia sẻ.

Để đối phó với rủi ro giá thép tăng cao, về lý thuyết, nhà thầu có thể tham gia thị trường giao dịch hàng hóa kỳ hạn để tự bảo vệ chính mình. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa đã đi vào hoạt động và đang cung cấp dịch vụ giao dịch kỳ hạn một số kim loại (bạch kim, bạc, đồng, quặng sắt…). Tuy nhiên, giao dịch trên Sở chỉ là giao dịch các sản phẩm tài chính (gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn mua/bán giá cả hàng hóa), chứ chưa phát triển loại hợp đồng kỳ hạn kèm chuyển giao vật chất trong thực tế.

Tin cùng chuyên mục