Hiện tại, việc đánh giá năng lực nhà thầu chủ yếu dựa vào hồ sơ năng lực do nhà thầu cung cấp. Ảnh: Tiên Giang |
Nhà thầu yếu nhưng hồ sơ đẹp
Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015 của nhiều địa phương, bộ, ngành cho thấy một hiện trạng khá phổ biến sau đấu thầu là tiến độ thi công công trình chậm chạp, chất lượng thi công không đảm bảo mà phần lớn do nhà thầu trúng thầu không có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu.
Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số gói thầu chậm tiến độ do năng lực, kinh nghiệm thi công của nhà thầu trúng thầu chưa đảm bảo so với tiến độ yêu cầu, dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Còn theo UBND tỉnh Hậu Giang, có rất nhiều trường hợp nhà thầu trúng thầu tại địa phương này triển khai thi công không đạt tiến độ theo yêu cầu; các biện pháp thi công, thiết bị, nhân công không tuân thủ như hồ sơ dự thầu…; chất lượng công trình chưa được nhà thầu quan tâm đúng mức; còn nhiều nhà thầu vi phạm thời gian thi công, vi phạm hợp đồng…
Từ thực tiễn công tác đấu thầu năm 2015, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ ra rằng, tại địa phương này, nhà thầu yếu, không đủ năng lực vẫn trúng thầu là do khi tham dự thầu, công ty mẹ tham dự kê khai kinh nghiệm và năng lực của mình nhưng khi triển khai thi công, công ty mẹ giao cho công ty con thực hiện. Cũng có trường hợp công ty mẹ, tổng công ty hay nhà thầu liên danh đứng tên dự thầu và kê khai kinh nghiệm năng lực của chính mình nhưng khi trúng thầu lại giao cho các công ty con hoặc một thành viên của liên danh thực hiện thông qua các hợp đồng ủy quyền, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình xây dựng.
Lý giải cho việc nhà thầu yếu nhưng vẫn trúng thầu, Tổng công ty Lương thực miền Nam cho rằng, việc đánh giá năng lực nhà thầu hiện tại chủ yếu dựa vào hồ sơ năng lực do nhà thầu cung cấp, nên hầu hết các nhà thầu đều đạt năng lực so với hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án cho thấy, năng lực của một số nhà thầu không được “đẹp” như trên hồ sơ.
Chủ đầu tư có bao che?
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong câu chuyện “lộ” nhà thầu yếu sau đấu thầu. Đó có thể là sự “ngây thơ” của người chấm thầu khi không phát hiện, không đánh giá đúng năng lực nhà thầu hoặc nhà thầu đã có gian lận thông tin để trúng thầu, mà bên mời thầu/chủ đầu tư vô tình hay cố ý, khéo che đậy đã lờ đi. “Nếu là cố tình lờ đi gian lận này của nhà thầu thì đây là sự bao che, đồng lõa của chủ đầu tư và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu”, ông Hùng đề xuất.
Thực tế, việc xử lý nhà thầu vi phạm hiện chưa được các địa phương cũng như chủ đầu tư/bên mời thầu quan tâm đúng mức. Trong Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015, Sở KH&ĐT Đồng Tháp cho biết, việc xử lý nhà thầu và những kiến nghị cấm một số nhà thầu vi phạm dự thầu trên địa bàn Tỉnh chưa được chủ đầu tư thực hiện, ảnh hưởng đến quá trình xem xét loại bỏ những nhà thầu yếu kém năng lực khi tham gia đấu thầu.
Sở KH&ĐT Quảng Ninh cũng thừa nhận, tại địa phương này còn có hiện tượng các nhà thầu sau khi trúng thầu triển khai thi công không đạt tiến độ; nhiều nhà thầu vi phạm thời gian thi công nhưng chủ đầu tư chưa có chế tài xử lý.
- TS. Nguyễn Việt Hùng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT
Khi phát hiện nhà thầu yếu sau đấu thầu, để đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư phải tìm ngay nhà thầu khác thay thế nhà thầu yếu kém; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm của nhà thầu. Đặc biệt, theo tôi, điều quan trọng nhất trong công tác đấu thầu hiện nay là phải nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của những người làm công tác này để giảm thiểu tiêu cực trong đấu thầu. Chừng nào những tiêu cực trong đấu thầu chưa được xử lý thích đáng thì những mục tiêu công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy.
- Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Sau đấu thầu, trách nhiệm giám sát phần công việc của nhà thầu trúng thầu thuộc về các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát thực hiện dự án. Trường hợp phát hiện nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực thực hiện hợp đồng thì phải chấm dứt ngay hợp đồng với nhà thầu, tìm nhà thầu khác thay thế, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Trong trường hợp sau đấu thầu mà phát hiện ra nhà thầu trúng thầu có vi phạm, gian lận thông tin, hồ sơ, tài liệu trong quá trình đấu thầu thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hiện nay, việc gian dối thông tin đấu thầu sẽ phải xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Và điều quan trọng để không chọn nhầm phải nhà thầu yếu kém, không để nhà thầu yếu trúng thầu thì chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải nâng cao năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng chấm thầu chính xác, sớm phát hiện ra những nhà thầu yếu kém hoặc có vấn đề.