Nhà thầu năng lượng ngập trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong lĩnh vực năng lượng, nhiều dự án đầu tư buộc phải tạm dừng thi công chờ giải quyết “núi” khó khăn hoặc chờ mặt bằng... Cùng với đó, giá cả thị trường liên tục biến động đã và đang khiến nhà thầu thêm khó.
Nhiều dự án đầu tư ngành năng lượng chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Cường
Nhiều dự án đầu tư ngành năng lượng chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Cường

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) chia sẻ với Báo Đấu thầu: “Liên danh Samsung C&T - Lilama đang thực hiện Gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 nhưng phải tạm dừng thi công hạng mục kênh xả nước làm mát gần nửa năm do có vướng mắc trong công tác đất đai. Nhà thầu lo lắng nếu việc thi công tiếp tục bị trì hoãn thì phần chi phí đội lên rất lớn”.

Lãnh đạo Lilama cho biết, từ cuối năm ngoái, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tín Nghĩa đã thiết lập nhà bảo vệ, cổng chắn (barie) ngay gần vị trí ranh giới giao cắt giữa đường bê tông với kênh xả nước làm mát để ngăn chặn xe vận chuyển vật tư thiết bị ra, vào phục vụ xây dựng Nhà máy do chưa đồng ý cho phá dỡ đường bê tông số 4 phân đoạn cắt qua kênh xả nước. Đến nay, hàng rào bảo vệ đã được gỡ bỏ, nhưng việc đào đường thi công qua khu vực đó vẫn chưa được giải quyết. “Nút thắt” này đang khiến kế hoạch Nhà máy nhận khí phục vụ vận hành thử nghiệm vào ngày 1/4/2024 đứng trước nguy cơ không thực hiện được; khả năng hoàn thành đưa vào vận hành giữa năm 2025 thêm thách thức.

Đó chỉ là một trong các “nút thắt” cản trở tiến độ về đích của Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 - dự án trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm Chủ đầu tư. Theo Ban Chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Dự án này còn nhiều vướng mắc liên quan đến thống nhất sản lượng điện cam kết mua dài hạn trong hợp đồng mua bán điện và xác định khung giá phát điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), các dự án lưới điện giải tỏa công suất Nhà máy vướng mặt bằng...

Đối với vướng mắc của Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, đại diện Lilama mong mỏi, Chủ đầu tư Dự án, địa phương và cấp có thẩm quyền cần khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho Dự án, để nhà thầu sớm được thi công hạng mục đang bị trì hoãn nhiều tháng qua.

Khó khăn của Liên danh Samsung C&T - Lilama chỉ là một trong nhiều khó khăn mà nhà thầu lĩnh vực năng lượng đang gặp phải. Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đang cùng 2 nhà thầu trong Liên danh thực hiện Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp hơn 3.000 tỷ đồng thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Chi phí thực hiện khối lượng công việc đã ký theo hợp đồng tăng 20 - 25% so với đơn giá trúng thầu do Dự án phải tạm dừng thi công 1 năm để xử lý sạt trượt; thời điểm thi công trở lại, giá vật tư, nhiên liệu, nhân công tiếp tục tăng mạnh...

Ông Cao Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng 47 cho rằng, đơn giá, định mức hiện còn nhiều bất cập, thấp hơn nhiều so với giá thị trường khiến nhà thầu thi công các dự án năng lượng... làm không nổi.

Trong khi đó, đề cập về cơ hội việc làm tại những dự án đầu tư mới, tại Hội nghị gặp mặt DNNN diễn ra đầu tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 5 năm qua chưa có nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng của các DNNN được khởi công, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Từ thực trạng đó, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng như Lilama, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Xây dựng 47 đều chung mong muốn cấp thẩm quyền hành động nhanh hơn nữa, thực chất hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Qua đó, những vướng mắc của các dự án cũ sớm được khơi thông, những dự án mới tiếp tục được khởi động..., tạo nền tảng cho các nhà thầu phát triển.

Với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Xây dựng 47..., đại diện các doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề chi phí cho các nhà thầu bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khách quan, nhằm giảm bớt áp lực cho nhà thầu. Bên cạnh đó, các nhà thầu mong mỏi những bất cập liên quan đến định mức, đơn giá trong xây dựng hiện nay sớm được cấp thẩm quyền tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục