Nhà thầu phản ánh về Dự án Kho dự trữ Lai Châu: Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (TCDT) vừa tiến hành mở thầu qua mạng Gói thầu số 5 Thi công Kho vật tư, nhà điều hành, bể nước ngầm 250 m3, trạm bơm, điện ngoài nhà, nước ngoài nhà, sân, đường thuộc Dự án Kho dự trữ Lai Châu. Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại VHS (Nhà thầu VHS). Gói thầu này trước đó bị một nhà thầu cho rằng HSMT có một số tiêu chí không hợp lý, hạn chế cạnh tranh.
Gói thầu số 5 thuộc Dự án Kho dự trữ Lai Châu, có giá gói thầu là 12,624 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu số 5 thuộc Dự án Kho dự trữ Lai Châu, có giá gói thầu là 12,624 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên sử dụng ngân sách nhà nước, có giá gói thầu 12,624 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Theo biên bản mở thầu, giá dự thầu của Nhà thầu VHS là 12,568 tỷ đồng, sau đó giảm giá 0,5%; nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng là 300 ngày.

Trong thời gian phát hành HSMT, một nhà thầu có văn bản gửi Báo Đấu thầu phản ánh về một số tiêu chí trong HSMT. Cụ thể, để chứng minh uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự (3 hợp đồng) từ năm 2018 đến năm 2021, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận của các chủ đầu tư là đã hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công. Đối với nội dung đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua các dự án thuộc TCDT, HSMT yêu cầu nhà thầu phải phối hợp với Chủ đầu tư xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, TCDT, chủ đầu tư thì mới được đánh giá là đạt.

Theo Nhà thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận của chủ đầu tư đối với công tác bảo hành công trình là không hợp lý vì làm khó nhà thầu khi lãnh đạo của chủ đầu tư chuyển công tác.

Bên cạnh đó, việc đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua việc phối hợp với Chủ đầu tư về xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra… là không đúng quy định hiện hành bởi theo Nhà thầu, khi có các kết luận của cơ quan chức năng, Chủ đầu tư đã có chế tài xử lý nhà thầu.

Nhà thầu cũng không đồng tình với việc HSMT yêu cầu nhân sự huy động cho Gói thầu hơn 12 tỷ đồng này gồm 8 cán bộ và 10 tổ trưởng. Nhà thầu cho rằng, số lượng nhân sự như vậy là quá nhiều, vượt chi phí gián tiếp và trực tiếp của Gói thầu.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của TCDT cho rằng, HSMT yêu cầu về trách nhiệm bảo hành của nhà thầu đối với 3 công trình tương tự là hợp lý vì nhà thầu hoàn toàn có thể lấy xác nhận này ngay sau khi hoàn thành trách nhiệm bảo hành. Việc HSMT đưa ra yêu cầu nhà thầu phải phối hợp với Chủ đầu tư để xử lý kiến nghị, các kết luận của cơ quan chức năng về xử lý tài chính, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán, nghiệm thu đối với công trình tương tự thuộc TCDT là để giảm thiểu những nhà thầu “từng có vết” tiếp tục tham gia các gói thầu của TCDT. Mặt khác, Gói thầu có nhiều hạng mục khác nhau nên HSMT yêu cầu nhà thầu bố trí các cán bộ có chuyên môn phù hợp để thực hiện. HSMT không yêu cầu tất cả nhân sự nhà thầu huy động thực hiện Gói thầu phải có mặt 100% thời gian trên công trường nên nhà thầu có thể bố trí cán bộ cho phù hợp với điều kiện, khả năng huy động của mình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, các yêu cầu trên của HSMT về trách nhiệm bảo hành công trình tương tự của nhà thầu, việc phối hợp của nhà thầu với TCDT trong việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các cơ quan chức năng, số lượng nhân sự huy động thực hiện Gói thầu theo giải thích của Chủ đầu tư là chấp nhận được. Nhà thầu muốn tham gia Gói thầu hoặc công trình tương tự buộc phải tạo dựng uy tín; có các giải pháp hợp lý, hiệu quả khi sử dụng các nhân lực thực hiện ngoài công trường.

Tin cùng chuyên mục