Nhà thầu thuê phải thiết bị gian lận: Thẳng tay cấm thầu, nên chăng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Báo Đấu thầu ghi nhận tình trạng nhiều nhà thầu bị kết luận có hành vi gian lận, không trung thực khi tham gia đấu thầu. Trong số này, nhiều nhà thầu thừa nhận hành vi và chấp nhận bị xử lý vi phạm, nhưng số khác lại cho rằng, mình chỉ là “nạn nhân” của hành vi gian lận của chủ thể khác. Các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Một số bên cho thuê thiết bị đã cung cấp tài liệu chứng minh không hợp pháp cho nhà thầu khi ký hợp đồng nguyên tắc. Ảnh: Nhã Chi
Một số bên cho thuê thiết bị đã cung cấp tài liệu chứng minh không hợp pháp cho nhà thầu khi ký hợp đồng nguyên tắc. Ảnh: Nhã Chi

Nhà thầu “kêu oan”

Cuối tháng 10/2023, Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 4 Thi công xây dựng thuộc Dự án Lắp biển báo giao thông, gờ chắn giảm tốc độ trên địa bàn Huyện. Tham dự Gói thầu, Công ty CP Tư vấn kỹ thuật công nghệ thương mại Hoàng Phú (Hà Nội) kê khai ô tô tải tự đổ thuê của Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và Xây dựng Hà Thành (kèm theo file scan bản sao chứng thực Giấy chứng nhận kiểm định về xe ô tô tải số KD-6018407 cấp bởi Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D). Tuy nhiên, tra cứu dữ liệu tại Cổng thông tin đăng kiểm Việt Nam không hiển thị Giấy chứng nhận kiểm định số KD-6018407. Cùng với đó, qua xác minh, Tổ chuyên gia được biết Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D không phát hành giấy chứng nhận nêu trên. Theo đó, Tổ chuyên gia kết luận Nhà thầu Hoàng Phú có hành vi cung cấp thông tin không trung thực; đồng thời kiến nghị Chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Dù thừa nhận đã bất cẩn, sơ suất trong việc xác minh thiết bị của bên thứ ba tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc và chấp nhận bị loại, song Nhà thầu Hoàng Phú đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư cân nhắc, xem xét không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm (cấm thầu) do cho rằng mình chỉ là “nạn nhân” của hành vi vi phạm mà không cố tình gian lận.

Cùng trong tháng 10/2023, Công ty CP Tư vấn xây dựng Phố Thị (TP.HCM) liên tiếp có 3 văn bản kiến nghị gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân, TP.HCM (Bên mời thầu) sau khi bị kết luận có hành vi kê khai thiết bị không trung thực trong HSDT Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Trường Tiểu học Thoại Ngọc Hầu. Cụ thể, Nhà thầu Phố Thị kê khai thiết bị ép cọc thuê của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Khang Thịnh Đạt, đính kèm giấy kiểm định còn hiệu lực. Tuy nhiên, qua xác minh, Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện an toàn lao động Sài Gòn cho biết không cấp giấy chứng nhận kiểm định cho thiết bị ép cọc nêu trên. Theo đó, Nhà thầu bị kết luận có hành vi không trung thực, không thuộc trường hợp được thay thế thiết bị và HSDT bị loại.

Trong khi đó, Nhà thầu cho rằng, toàn bộ tài liệu về thiết bị thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê, do bên cho thuê chịu trách nhiệm về tính hợp pháp. Việc xác minh tính hợp pháp của những tài liệu này nằm ngoài chức năng cũng như quyền hạn của Nhà thầu. Nhà thầu cũng cho rằng việc Chủ đầu tư chỉ độc lập xác minh với đơn vị kiểm định mà không yêu cầu các bên liên quan trực tiếp (bao gồm Nhà thầu và chủ sở hữu thiết bị) giải trình, làm rõ mà vội vàng đưa ra kết luận là chưa bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch trong đấu thầu.

Cũng cho rằng bị liên đới bởi hành vi gian lận của bên thứ ba, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (TP.HCM) liên tục có văn bản phản đối kết luận về hành vi không trung thực khi tham dự Gói thầu số 07 Thi công xây dựng đường Trần Phú nối dài thuộc Dự án Đầu tư xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch trung tâm hành chính, quảng trường huyện Đức Trọng. Theo Nhà thầu này, việc Bên mời thầu đánh giá Nhà thầu gian lận thiết bị (đi thuê) thông qua nội dung xác minh với đơn vị kiểm định là chưa thỏa đáng, vội vàng, ảnh hưởng đến quyền lợi và đặc biệt là uy tín của nhà thầu. Bởi, đây là tình huống đơn vị cho thuê thiết bị cung cấp tài liệu (giấy chứng nhận kiểm tra kỹ thuật an toàn) không hợp pháp cho Nhà thầu. Nhà thầu chỉ là khách thể của một loại vi phạm pháp luật đến từ một chủ thể khác.

Các bên nhìn nhận ra sao?

Phản bác những luận giải của nhà thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu đều cho rằng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Luật Đấu thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình. Đồng thời, Điều 26 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định, nhà thầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin kê khai trên webform và file tài liệu đính kèm trong quá trình tham dự thầu. Do đó, việc kết luận nhà thầu gian lận, không trung thực là có cơ sở.

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture cho rằng, xét theo quan hệ pháp luật đấu thầu (giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu), trường hợp nhà thầu bị chủ đầu tư, bên mời thầu kết luận có hành vi gian lận, không trung thực, vi phạm Điều 89 Luật Đấu thầu, thì nhà thầu sẽ bị áp dụng chế tài xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hoặc Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để xác định ý chí, mục đích hành vi vi phạm của nhà thầu, cần xét đến mối quan hệ pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế (giữa nhà thầu và bên cho thuê). Theo đó, tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc, bên cho thuê có nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê theo Điều 477 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 270 Luật Thương mại 2005. Như vậy, nhằm củng cố cơ sở chứng minh nhà thầu ngay tình, không cố ý vi phạm thì nghĩa vụ này nên được nhà thầu chú trọng quy định một cách cụ thể, chi tiết trong hợp đồng nguyên tắc tại thời điểm ký kết.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, các chủ thể chính tham gia vào hoạt động đấu thầu (nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp) kỳ vọng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2023 sẽ quy định chi tiết hơn về yếu tố cấu thành vi phạm để xác định mục đích hành vi, cũng như mức độ vi phạm pháp luật, từ đó người có thẩm quyền có cơ sở áp dụng chế tài xử lý vừa đảm bảo sự công tâm, vừa giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật. “Nếu trách nhiệm thuộc bên cho thuê, nhưng hậu quả do nhà thầu gánh chịu, thì khi xây dựng chính sách, có nên lưu tâm đưa trường hợp này vào điều khoản xử lý tình huống trong đấu thầu?”, ông Chung gợi mở.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, nhằm bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khách quan trong đấu thầu, trường hợp phát hiện HSDT bất thường, chủ đầu tư/bên mời thầu trước tiên phải tiến hành làm rõ với nhà thầu. Sau khi đã thực hiện xác minh, làm rõ được nhà thầu có mục đích, hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT, thì mới đủ căn cứ kết luận vi phạm. “Sự vô tư, khách quan của chủ đầu tư/bên mời thầu còn thể hiện ở việc cân nhắc mức độ xử lý vi phạm trong các trường hợp nhà thầu giải trình, chứng minh được lỗi vô ý, nhằm mục đích răn đe, thay vì “triệt hạ” nhà thầu”, một chuyên gia nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục