Tính đến cuối tháng 2/2016, Tổng thầu Trung Quốc thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam 554 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Dư luận lo ngại về tiến độ và chất lượng của dự án này khi nhà thầu Trung Quốc thắng thầu cũng là dễ hiểu, bởi đã có không ít dự án lớn tại Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều để lại “vết hằn”.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Thiếu an toàn thi công, đội vốn, chậm tiến độ
Dự án “tai tiếng” đầu tiên có thể kể đến là Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Gói thầu chính của Dự án do Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Được khởi công ngày 10/10/2011, kế hoạch hoàn thành ban đầu là tháng 11/2013 nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành và tiếp tục phải giãn tiến độ đến cuối năm 2016. Cũng vì chậm tiến độ, cùng với thay đổi thiết kế, tổng mức đầu tư của Dự án đã tăng từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD.
Ngoài đội vốn, chậm tiến độ, dự án này còn là nỗi ám ảnh đối với người dân Thủ đô bởi những tai nạn chết người từ sự cố thi công. Ngày 6/11/2014, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, 2 thanh sắt dài hơn chục mét từ trên giàn giáo bắc qua đường Nguyễn Trãi thuộc công trình thi công Dự án đã rơi xuống đè chết 1 người và làm 2 người bị thương. Tiếp đó, ngày 28/12/2014, công trình tiếp tục bị sự cố nghiêm trọng khi giàn giáo đổ bê tông bất ngờ đổ sập xuống đường tại điểm thi công ga Hà Đông trên đường Trần Phú đè bẹp 1 taxi.
Đến nay, dự án này tiếp tục gặp “trục trặc” do Tổng thầu thiếu tiền để triển khai dù trước đó đã cam kết đảm bảo năng lực thi công, năng lực tài chính cho Dự án. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến ngày 29/2, Tổng thầu nợ các nhà thầu phụ Việt Nam khoảng 554 tỷ đồng. Việc nợ đọng này đã gây khó khăn cho các thầu phụ thi công và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Dự án chậm tiến độ.
Sân vận động Mỹ Đình: 94% thiết bị sử dụng không theo hợp đồng
Sân vận động (SVĐ) quốc gia Mỹ Đình cũng là một siêu dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện để lại “tai tiếng” về chất lượng công trình. Công ty Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc) – một nhà thầu chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn, đã thắng thầu Dự án năm 2001.
SVĐ quốc gia Mỹ Đình có tổng mức đầu tư 69 triệu USD, trong đó, gói thầu của HISG là 59 triệu USD. SVĐ đi vào hoạt động từ ngày 2/9/2003 và liên tục có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tường khán đài nứt dọc nứt ngang, nhiều điểm sụt lún trên các khán đài, đường chạy điền kinh không thể hoạt động được,… Hàng chục tỷ đồng đã phải đổ vào để đại tu, sửa chữa công trình này.
Sự xuống cấp này ngoài yếu kém về quản lý, duy tu công trình, còn có nguyên nhân quan trọng từ chất lượng thi công, thiết bị của nhà thầu. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, toàn bộ thiết bị vật tư có xuất xứ từ Tây Âu và Mỹ (kể cả vật tư thiết bị đưa vào xây lắp). Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ phát hiện 94% thiết bị sử dụng xây SVĐ, tương đương 17/18 triệu USD giá trị thiết bị sử dụng của công trình này đã bị thay đổi so với hợp đồng; trong đó có 5,49 triệu USD giá trị thiết bị không rõ nguồn gốc... Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện HISG đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ với đơn giá rất thấp để hưởng chênh lệch hàng triệu USD.
Nhiều người đã tiếc rằng nếu không phải nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì có thể SVĐ quốc gia của chúng ta đã đẹp hơn, chất lượng cũng tốt hơn và ngân sách cũng không phải bỏ ra những khoản tiền lớn để sửa chữa chắp vá trong suốt những năm qua.
Và nhiều “vết hằn” tại hàng loạt dự án lớn
Tại Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (đưa vào sử dụng năm 2012) có 2 nhà thầu Trung Quốc tham gia 2 gói thầu. Cả hai nhà thầu này đều thi công với chất lượng kém, chậm tiến độ, để lại những hậu quả như chi phí tăng cao, công trình phải sửa chữa.
Cụ thể, ở Gói thầu Thi công lắp đặt tuyến cống bao băng dưới đáy sông Sài Gòn, phía Trung Quốc đấu thầu với giá thấp hơn vài chục phần trăm so với dự toán, nhưng trong quá trình thi công không thực hiện đúng quy trình, khiến công trình gặp sự cố và làm tiến độ chậm trễ gần 2 năm, sau đó chủ đầu tư buộc phải thuê nhà thầu khác. Ở Gói thầu Đóng cừ bê tông hai bên bờ kênh, nhà thầu cũng không tuân thủ quy trình thi công. Khi đưa công trình vào sử dụng thì các cừ bê tông bị xiêu vẹo, phải tốn chi phí khắc phục. Đáng nói hơn nữa là các nhà thầu Trung Quốc thi công chậm trễ nhưng lại đòi điều chỉnh tăng giá gói thầu với lý do vật tư, nhân công tăng, dẫn tới việc Dự án Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè luôn bị đội vốn.
Hàng loạt các dự án nhiệt điện lớn như dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí mở rộng 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2… do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng không ít lần làm chủ đầu tư “toát mồ hôi” khi các nhà thầu “dọa rút” bỏ lại những dự án dở dang hoặc chậm giải ngân cho dự án. Hầu hết các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá thấp mà không đáp ứng yêu cầu năng lực, kỹ thuật.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề lựa chọn nhà thầu Trung Quốc vì “ham rẻ” không phải do pháp luật đấu thầu, mà do chủ quan của người thực hiện với nhiều “lý do tế nhị”. Để hạn chế tình trạng này, chủ đầu tư trước hết phải “trong sạch”, và nếu nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thầu dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng hoặc do những ràng buộc liên quan đến điều khoản vay vốn, thì hợp đồng phải hết sức chặt chẽ để ràng buộc nhà thầu. Trong quá trình đánh giá HSDT, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải xem xét thật kỹ, nếu nhà thầu đưa ra giá dự thầu thấp mà không giải trình được thì phải cương quyết loại bỏ nhà thầu, tránh tình trạng để nhà thầu trúng thầu rồi dây dưa không thực hiện, thi công kém chất lượng hoặc quay lại “ép” chủ đầu tư tăng giá.