Nhận diện đúng nợ xấu, tăng sức bền cho các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng vừa được nâng xếp hạng tín nhiệm, năng lực quản trị được cải thiện, tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngày càng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục cải thiện chất lượng tài sản, nâng cao năng lực quản trị rủi ro để tăng trưởng bền vững.
Nhiều ngân hàng đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ngân hàng đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II. Ảnh: Lê Tiên

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa xác nhận xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với 15 ngân hàng Việt. Theo đó, Moody's điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV từ “tiêu cực” lên “tích cực”; 4 ngân hàng được điều chỉnh từ “ổn định” lên “tích cực” là OCB, TPBank, VPBank, VIB; 6 ngân hàng từ “tiêu cực” lên “ổn định” là ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.

Bên cạnh đó, một bước tiến đáng kể là 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II. Trong số đó có nhiều ngân hàng đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II như VIB, VPBank, TPBank, HDBank, LienVietPostBank… Việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II là nền tảng quản trị quan trọng giúp các nhà băng có sức khoẻ tốt, phát triển lành mạnh và là tiền đề để các ngân hàng phấn đấu sớm hoàn thành Basel III.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân hàng là một trong những ngành phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, thể hiện khả năng chống chịu và thích ứng với thay đổi. Minh chứng rõ nhất có thể thấy là tăng trưởng tín dụng dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã hồi phục, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những tháng cuối năm 2020 ghi nhận sự chuyển sàn, niêm yết thành công của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng.

Ông Lực cho rằng, những điểm tích cực đó sẽ tiếp tục được các ngân hàng phát huy trong năm 2021 khi dịch bệnh được khống chế, sản xuất kinh doanh hồi phục. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Điểm đáng quan tâm nhất là chất lượng tài sản của hệ thống tiềm ẩn nhiều rủi ro, bức tranh nợ xấu được dự báo sẽ kém khả quan trong thời gian tới khi quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ hết hiệu lực.

Ông Lực kiến nghị, các tổ chức tín dụng cần thay đổi, cập nhật mô hình và định hướng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, đồng thời cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài và tăng cường công tác quản trị rủi ro.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được củng cố đáng kể trong thời gian qua song vẫn còn nhiều điểm yếu và áp lực trước mắt. Theo đó, khả năng sinh lợi từ hoạt động của ngân hàng và các “tấm đệm” nguồn vốn đang yếu dần do tái cơ cấu khoản nợ, trích lập dự phòng cao và nợ xấu. Các mối lo về chất lượng tài sản cũng hiển hiện rõ hơn xuất phát từ việc cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Do đó, IMF cho rằng, giám sát các rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn rất quan trọng. Cơ quan giám sát cần theo dõi chặt chẽ quá trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng, đồng thời, đánh giá tác động của dịch Covid-19 với chất lượng các khoản vay và khả năng sinh lợi của tín dụng. Các cơ quan giám sát cần đảm bảo ngân hàng nhận diện đúng về các khoản nợ xấu sau khi hết hạn thực hiện gia hạn các khoản vay. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng giám sát rủi ro hệ thống, bao gồm việc phân tích kỹ tín dụng cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bất động sản, thực hiện các cuộc kiểm tra sức chống chịu của các ngân hàng.

Thời gian tới, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện sức bền của hệ thống ngân hàng. Theo IMF, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cải thiện nguồn vốn cho các ngân hàng như nâng giới hạn sở hữu nước ngoài, đồng thời, giám sát chặt chẽ các kế hoạch và lộ trình thực hiện Basel II bởi đó là chìa khóa cải thiện quản trị rủi ro và năng lực ứng phó tổn thất.

Đồng tình với khuyến nghị này, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng hiện nay, các ngân hàng cần phải chuẩn bị sức khỏe tài chính thật tốt. Theo đó, việc áp dụng Basel II, tiến tới Basel III sẽ giúp ngân hàng quản trị rủi ro ngày càng tốt, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các cú sốc, đồng thời còn cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục