Nhận thức đúng về hành vi thông thầu để tránh hệ lụy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, tác động lớn đến hoạt động lựa chọn nhà thầu, trong đó có một nội dung về các hành vi bị cấm trong đấu thầu nhằm hạn chế tình trạng thông thầu. Các nhà thầu cần đặc biệt lưu ý cập nhật để tránh vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi khi tham gia đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi, bổ sung có một nội dung về các hành vi bị cấm trong đấu thầu nhằm hạn chế tình trạng thông thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi, bổ sung có một nội dung về các hành vi bị cấm trong đấu thầu nhằm hạn chế tình trạng thông thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nghi án thông thầu

Khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 về hành vi thông thầu trong các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu bổ sung: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, việc bổ sung nội dung này sẽ giúp tăng tính minh bạch trong công tác đấu thầu, hạn chế tình trạng thông thầu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cũng như theo nhiều báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), có những nhà thầu được bên mời thầu yêu cầu làm rõ HSDT đến 3 - 4 lần nhưng không có bất kỳ phản hồi nào. Hiện tượng nêu trên đặt ra câu hỏi, động cơ dự thầu của nhà thầu là gì?

Theo một chuyên gia đấu thầu, hiện tượng không trả lời làm rõ, không cung cấp tài liệu theo yêu cầu có 2 lý do chính. Thứ nhất, có thể do nhà thầu tham dự thầu để sắp xếp, quây thầu, thông thầu, hỗ trợ cho một bên trúng thầu. Thứ hai, tài liệu nhà thầu cung cấp có thể là giả, không hợp lệ hoặc kê khống, khai khống, nên khi có yêu cầu đối chiếu, làm rõ, nhà thầu sẽ “lặn mất tăm”.

Dù vì lý do gì, việc dự thầu nhưng không tuân thủ các yêu cầu làm rõ, đối chiếu tài liệu cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, động cơ thiếu trong sáng của nhà thầu. Một số bên mời thầu chia sẻ, trong nhiều trường hợp, việc chờ đợi phúc đáp, cung cấp tài liệu làm rõ từ nhà thầu còn dẫn tới kéo dài thời gian đánh giá HSDT.

Dù Báo Đấu thầu liên tục phản ánh tình trạng này cũng như cập nhật những nội dung mới của pháp luật về đấu thầu, nhưng nhiều nhà thầu cho biết chưa nắm được, chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi này có thể dẫn tới “án phạt” cấm thầu.

“Thực sự lâu nay, việc dự thầu vì nể nang, quen biết, anh em nhờ, gửi gắm là khá phổ biến. Nhà thầu tham gia chỉ với mục đích đủ số lượng, “lót đường” cho nhà thầu được lựa chọn từ trước và không quan tâm đến các thủ tục về sau (như làm rõ, trả lời làm rõ HSDT). Nhưng nếu hành vi này bị cấm theo quy định tại Luật Đấu thầu 2023, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại ngay, không thể dại dột vì giúp bạn mà đánh đổi uy tín của mình”, một nhà thầu xây dựng tại TP.HCM chia sẻ.

Trong khi đó, một nhà thầu chuyên thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Đồng Nai cho biết, chưa khi nào nghĩ việc dự thầu và né tránh các yêu cầu làm rõ từ bên mời thầu sẽ dẫn tới hậu quả như vậy. “Có lẽ lâu nay các nhà thầu quá coi nhẹ hành vi này và tự tin không bị liên đới, chịu trách nhiệm. Giờ quy định đã rõ như vậy, chắc chắn các nhà thầu phải thực sự nghiêm túc khi tham gia bất kỳ gói thầu nào”.

Thước đo đánh giá uy tín

Thời gian qua, tình trạng nhà thầu dự thầu nhưng từ chối làm rõ HSDT, không phản hồi văn bản đề nghị bổ sung, đối chiếu tài liệu dẫn tới dễ dàng bị loại, tạo điều kiện cho nhà thầu khác trúng thầu rất phổ biến.

Đơn cử, tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Hương lộ 2, TP. Bà Rịa (đoạn từ ngã tư Hòa Long đến ngã năm Long Điền) do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm Bên mời thầu, Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàn Mỹ - Công ty TNHH Thành Lợi trúng thầu với giá 125,948 tỷ đồng; Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 Thành Nam - Công ty CP Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông 719 không làm rõ HSDT nên bị loại.

Tại Gói thầu số 9 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường kết nối Quốc lộ 47C với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, hàng loạt nhà thầu mạnh đều đồng loạt không trả lời yêu cầu làm rõ HSDT…

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để khắc phục các tồn tại trong quá trình thực thi Luật Đấu thầu, ngoài bổ sung hành vi bị cấm như trên, khi xây dựng Nghị định hướng dẫn, Ban soạn thảo đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng để đánh giá uy tín nhà thầu. Theo đó, uy tín của nhà thầu sẽ được công khai thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia về nhà thầu gồm các thông tin như việc thực hiện hợp đồng, dự thầu... Trong đó, việc đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua việc dự thầu là điểm mới.

Một bên mời thầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các hệ thống dữ liệu được tích hợp sẽ sàng lọc, đánh giá khách quan việc dự thầu của nhà thầu. Trong đó có số lần dự thầu, lý do bị loại, cả việc bị loại vì không thực hiện yêu cầu làm rõ của bên mời thầu. Đây sẽ là kênh tham khảo cho chủ đầu tư, cơ quan giám sát, kiểm tra đánh giá uy tín của các nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục