Nhiều bất cập trong phân cấp đấu thầu thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ý kiến khẳng định, việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung vẫn hết sức cần thiết nhằm thiết lập một mặt bằng chung về giá, điều phối kịp thời giữa các cơ sở y tế (CSYT) khi có biến động nhu cầu, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng để phát huy hiệu quả của đấu thầu thuốc tập trung, một trong những vấn đề đáng bàn nhất hiện nay là làm sao phân cấp thẩm quyền phù hợp và xây dựng danh mục (DM) thuốc tương ứng bảo đảm mua sắm kịp thời.
Một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Theo Thông tư 15/2020/TT-BYT, DM thuốc được phân chia thành 2 DM cụ thể, gồm: DM 1.755 thuốc đấu thầu (do CSYT tự tổ chức lựa chọn nhà thầu) và DM thuốc đấu thầu tập trung (ĐTTT). DM thuốc ĐTTT tiếp tục được chia thành 2 cấp, trong đó, cấp quốc gia có 152 thuốc (Bộ Y tế giao cho Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thực hiện), cấp địa phương có 129 mặt hàng (UBND tỉnh/thành phố giao cho một đơn vị mua sắm tập trung như sở y tế, CSYT đa khoa tỉnh… thực hiện). Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn ban hành DM thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá (ĐPG), hiện do cấp trung ương thực hiện với 701 thuốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Công ty CP Thương mại dịch vụ Thăng Long, để tham dự ĐTTT, doanh nghiệp phải đàm phán với nhà sản xuất để có giá thuốc phù hợp, tăng tính cạnh tranh. Thực tế, do đơn hàng quy mô lớn, có những mặt hàng thuốc lúc đầu có giá 53.000 đồng, nhưng qua đàm phán chỉ còn 30.000 đồng, vì nhà sản xuất có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất. Điều này vừa giúp nhà thầu cạnh tranh được với đối thủ, vừa mang lại hiệu quả cho Nhà nước và người bệnh.

Với những hiệu quả thiết thực đó, một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng DM thuốc ĐTTT quốc gia, rút gọn DM thuốc ĐTTT cấp địa phương.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của một số sở y tế, CSYT. Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nếu thực hiện được như vậy sẽ giúp cho địa phương và các CSYT rút ngắn được thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT), đỡ tốn công, tốn của, tốn nhân lực.

Cán bộ quản lý của một sở y tế khu vực phía Nam cho rằng, việc mở rộng DM thuốc ĐTTT cấp quốc gia đồng nghĩa với việc rút gọn DM thuốc ĐTTT cấp địa phương sẽ giúp cho đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tự tin hơn, dễ quản lý hơn, vì những thuốc nhóm I chủ yếu là nhập khẩu, địa phương rất thiếu thông tin, dữ liệu.

Tuy nhiên, thực tế ĐTTT quốc gia và ĐPG thời gian qua cho thấy, Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trong LCNT, kéo dài tới gần 10 tháng. Trong số 69 thuốc ĐPG, đến nay, Trung tâm mới đàm phán thành công được 19 thuốc, đang chờ kết quả thẩm định, số thuốc còn lại vẫn phải chờ đàm phán tiếp.

Mặc dù Trung tâm đã phối hợp với các bộ như: Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Công an…, nhưng một số thuốc không có dữ liệu vì doanh nghiệp thực hiện cơ chế bảo mật giá, hay dữ liệu không đáng tin cậy, không cập nhật. Mặt khác, cách hiểu về tỷ lệ giảm giá trong ĐPG thuốc hiện chưa có sự thống nhất. Ví dụ, một số thuốc không đạt được mục tiêu giảm giá 20% so với giá kế hoạch nên được coi là đàm phán không thành công. Trong khi đó, nếu tính chung tất cả các mặt hàng thuốc tham gia ĐPG thì tỷ lệ giảm giá lên tới 50%, vượt kế hoạch đặt ra...

Ngược lại, luồng ý kiến thứ hai cho rằng, Bộ Y tế nên giao tất cả DM thuốc về cho các CSYT tự tổ chức mua sắm, phù hợp với định hướng tăng cường tính tự chủ của CSYT công lập.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, một số cán bộ quản lý của các sở y tế khu vực phía Nam đề xuất, nên mở rộng DM thuốc ĐTTT cấp địa phương, hạn chế giao cho các CSYT tự tổ chức LCNT. Bởi vì, việc đấu thầu riêng lẻ, phân tán dễ gây ra tình trạng giá cả manh mún, quay lại tình trạng mỗi nơi một giá, dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Như vậy, DM thuốc đấu thầu, ĐTTT ở cả cấp trung ương và địa phương đều đang bộc lộ những bất cập, cần rà soát kịp thời để cập nhật, điều chỉnh (bổ sung hoặc cắt giảm) cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Phạm Minh Hóa đến từ Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, các DM này không nhất thiết giữ nguyên như các thông tư đã ban hành, mà có thể điều chỉnh tăng hay giảm, tùy thuộc vào yêu cầu của thực tế từng thời điểm. Đây là thẩm quyền của Bộ Y tế. Trách nhiệm cập nhật các DM thuốc này đã được quy định rõ trong Thông tư 15/2020/TT-BYT.

“Việc mở rộng DM cho các sở y tế hay CSYT tự thực hiện thế nào cho phù hợp với năng lực thực tế là vấn đề mà Bộ Y tế cần cân nhắc thận trọng. Một số địa phương như TP. Hà Nội hay TP.HCM có thể thực hiện được, nhưng những địa phương còn lại thì sao?”, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế đặt vấn đề.

Ngoài ra, một số ý kiến từ các sở y tế và CSYT cho rằng, các bộ, ngành cần rà soát việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch LCNT theo quy mô gói thầu. Hiện nay, có những mặt hàng chỉ 10.000 đồng cũng phải xin chủ trương và trình UBND tỉnh phê duyệt. Quy trình này mất khoảng 1 tháng, chiếm 1/3 tổng thời gian tổ chức LCNT. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, những gói thầu vài trăm triệu đồng có thể giao CSYT tự thực hiện.

Tin cùng chuyên mục