Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2 điểm %/năm so với cuối năm 2022. Ảnh: Lê Tiên |
Nối tiếp đà giảm từ cuối năm ngoái, lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng thương mại kéo giảm trong tháng đầu năm 2024. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 5,1%, giảm mạnh so với mức hơn 10% đầu năm ngoái. Trong khi đó, NHNN cho biết, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2 điểm % so với thời điểm cuối năm 2022.
Về diễn biến lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời điểm đầu năm 2023, lãi suất là câu chuyện rất gay gắt, nhưng đến giai đoạn nửa cuối năm 2023, các ngân hàng thương mại đã chung tay trong vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, đến nay lãi suất cho vay trung bình đã xuống mức thấp.
Trong năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2 điểm %/năm so với cuối năm 2022.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện tốt để các TCTD có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
Trước thực tế lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, ông Quang cho biết, 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ huy động ngắn hạn và 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn. “Các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn so với lãi suất huy động”, ông Quang lý giải.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm trong tháng đầu năm 2024. Ảnh: Nhã Chi |
Về việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện hơn trên các khía cạnh. Trước hết, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các ngân hàng thương mại huy động với lãi suất rất cao 10 - 12%/năm với kỳ hạn 6 - 12 tháng. Đến nay, mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng vì thời hạn huy động lãi suất cao tối thiểu là 6 - 12 tháng nên các ngân hàng thương mại phải giảm dần tương ứng và không thể giảm ngay được.
Về xu hướng giảm lãi suất trong thời gian gần đây, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm liên tục từ năm ngoái đến nay phản ánh hiệu quả từ định hướng, thực thi chính sách của Chính phủ và NHNN về việc giảm chi phí vốn tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là kết quả của việc kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm chi phí hoạt động và giảm kỳ vọng lợi nhuận, tập trung hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng.
Trong năm 2024, theo ông Linh, dù xu hướng giảm lãi suất có thể diễn ra ở các nước, song dư địa giảm lãi suất của Việt Nam không còn nhiều bởi chịu tác động của nhiều yếu tố nội tại. Trước hết, đó là chỉ số lạm phát được dự báo có thể ở mức cao hơn năm 2023 do tác động từ bên ngoài và cả việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ cơ bản trong nước. Bên cạnh đó, nếu lãi suất giảm sâu có thể tác động bất lợi đến nỗ lực giữ ổn định tỷ giá USD/VND, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Linh kiến nghị: “NHNN sớm có thông điệp định hướng điều hành chính sách lãi suất để doanh nghiệp và người dân chủ động các kế hoạch kinh doanh”.
Tại Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành từ quý II hoặc quý III/2024 sẽ tác động làm giảm áp lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, năm 2024 không có nhiều dư địa để NHNN cắt giảm thêm lãi suất điều hành.
Tính đến cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động giảm từ 2,5 - 3,0 điểm %, về mức thấp của giai đoạn dịch Covid-19. Tuy vậy, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa rõ nét trong năm 2023 do doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, các kênh tài sản và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn và lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.
Mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh phục hồi và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dồn vào cuối năm 2024 làm tăng nhu cầu vay vốn mới. Ngoài ra, việc tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công cũng có thể khiến lãi suất huy động tăng nhẹ khi tồn dư ngân sách giảm, nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng. VDSC nhận định và dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 0,5 - 1 điểm % trong nửa sau năm 2024.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, xu hướng lãi suất của Việt Nam năm 2024 phụ thuộc đáng kể vào động thái điều hành của Fed. Theo đó, nếu sau cuộc họp tháng 3/2024, Fed giảm lãi suất thì nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có thể cũng giảm lãi suất. Xu hướng nới lỏng tiền tệ này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế thế giới hồi phục, từ đó hỗ trợ tích cực cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu.
“Nếu Fed không giảm lãi suất, lãi suất của Việt Nam có thể tăng song mức tăng chỉ khiêm tốn vì nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ trong khi lượng vốn tồn đọng vẫn lớn. Trường hợp Fed giảm lãi suất, kinh tế hồi phục đồng thời với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát huy hiệu quả, nhu cầu về vốn tăng nhanh, thanh khoản của hệ thống ngân hàng chuyển từ trạng thái thừa sang thiếu và lãi suất có thể bật tăng”, ông Huân nhận định.