Nhiều địa phương quyết liệt thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tạo ra năng lực sản xuất mới, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Mục tiêu được hầu hết địa phương đặt ra là phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021, với nhiều giải pháp hết sức quyết liệt.
Nhiều địa phương khẳng định phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều địa phương khẳng định phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: Tường Lâm

Kinh nghiệm từ những địa phương giải ngân cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 6 tháng đầu năm có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (29,02%), trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%.

Thái Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 6 tháng đầu năm (64,4%). Để đẩy mạnh giải ngân, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong người dân đối với công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng sớm giao kế hoạch vốn; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn và chỉ đạo làm rõ nguyên nhân. Đặc biệt, quan tâm kiến nghị của chủ đầu tư, nhà thầu, giải quyết ngay tại hiện trường các kiến nghị, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh là đẩy mạnh phân cấp, quyết liệt giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, biến nguy thành cơ, trong dịp Tết khi dịch xảy ra dịch, lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo, động viên công nhân, người lao động ở lại Quảng Ninh vừa sản xuất vừa ăn Tết, bảo đảm lực lượng lao động để tiến độ công trình không bị ảnh hưởng.

Kinh nghiệm chung của một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên là kiên định, nghiêm túc thực hiện các giải pháp theo mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bám sát thực tiễn, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện…

Công tác chỉ đạo điều hành, theo như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá là đặc biệt quan trọng trong giải ngân đầu tư công. Nhìn lại năm 2020, cũng bộ máy đó, nhưng nhờ đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, kết quả giải ngân đầu tư công đã đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nỗ lực cao trong nửa cuối năm

Qua nửa đầu năm 2021, dù có nơi giải ngân cao, nơi giải ngân chưa đạt mức trung bình, nhưng nhiều địa phương khẳng định mục tiêu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Ví dụ, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2021 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Tỉnh, không chờ hết niên độ ngân sách. Ngoài những giải pháp đã đưa ra từ đầu năm, UBND Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết đến hết ngày 31/12/2021 của từng dự án theo tiến độ từng tháng. Đồng thời, phân công lãnh đạo trực tiếp điều hành, theo dõi, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh và có văn bản cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn theo đúng tiến độ, bảo đảm hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 70% kế hoạch vốn.

Cũng với quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch giao, tại cuộc họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các cấp, ngành, địa phương đến cuối quý III, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt trên 60%, thậm chí tháng 8 phải đạt được tỷ lệ này. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư có văn bản đăng ký tiến độ giải ngân từng tháng, từng quý từ nay đến cuối năm và nếu không đạt được thì phải chịu trách nhiệm.

Còn theo Sở KH&ĐT Quảng Nam, kể từ ngày 1/7/2021, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính tập trung rà soát, tham mưu UBND Tỉnh điều chuyển vốn đầu tư công năm 2021, hướng đến giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021. Nếu bị Trung ương thu hồi vốn không giải ngân hết mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến giải ngân là việc giao kế hoạch vốn chính thức cho các dự án khởi công mới năm 2021 còn vướng do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, theo nhiều địa phương, một nguyên nhân khác là giá một số loại nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án.

UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, trong trường hợp chưa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, xem xét, thống nhất cho phép HĐND cấp tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2021 đối với nguồn vốn ngân sách địa phương cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư và yêu cầu tổng hợp các dự án này vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi trình HĐND tỉnh thông qua. Một số địa phương kiến nghị sớm có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến...

Tin cùng chuyên mục