Hồ sơ yêu cầu của một cục thuế tỉnh quy định tủ, tủ trà phải làm bằng gỗ gụ. Ảnh: Bích Thủy |
Đây là kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội gỗ Vifores, FPA, Hawa và Forest Trends được công bố cuối tuần qua.
Rủi ro sử dụng gỗ bất hợp pháp trong mua sắm công
Theo kết quả khảo sát các E-HSYC, các đơn vị mua sắm rất quan tâm tới loại gỗ sử dụng, trong đó chủ yếu là yêu cầu gỗ tự nhiên. Có 61/100 E-HSYC đưa ra yêu cầu mua sắm đồ gỗ trường học (bảng, bàn, ghế học sinh/giáo viên, tủ/kệ/giá sách, đồ chơi học sinh, giường phục vụ học sinh nội trú...). Có 51/100 E-HSYC yêu cầu đồ gỗ văn phòng (tủ, bàn, ghế văn phòng/hội trường/phòng họp/phòng máy, rèm cửa...). Về loại gỗ nguyên liệu, có 85/100 E-HSYC yêu cầu gỗ tự nhiên; 52/100 E-HSYC yêu cầu gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các E-HSYC không đưa ra yêu cầu nhà thầu chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.
Đặc biệt, Nhóm nghiên cứu phát hiện, có tới 11% E-HSYC có yêu cầu mua sắm các sản phẩm gỗ quý hiếm (nhóm I và II).
Đơn cử, có cục thuế tỉnh yêu cầu tủ, tủ trà làm bằng gỗ gụ; công trình nhà văn hóa lao động tỉnh yêu cầu bàn, ghế, bục hội trường; bàn, ghế giám đốc, phó giám đốc làm bằng gỗ gụ, gỗ chò... Thậm chí, một công trình trường tiểu học xã còn yêu cầu bàn làm việc, tiếp khách của hiệu trưởng phải bằng gỗ gụ. Trong khi đó, gỗ nhóm I và II là loại gỗ có rủi ro cao trong việc chứng minh tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ. Từ năm 2014, Việt Nam đã tuyên bố “đóng cửa rừng” (trừ Đắk Tô và Kon Tum) và cấm hoàn toàn khai thác gỗ tự nhiên vào năm 2016 đến nay.
Qua rà soát Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật, Nhóm nghiên cứu cho rằng, pháp luật về đấu thầu chưa có quy định bắt buộc về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ, hoặc có nhưng không đủ để kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa so với khuôn khổ của VPA/FLEGT.
Chẳng hạn như pháp luật về đấu thầu có đưa ra điều kiện về “tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ”; hàng hóa phải có “xuất xứ rõ ràng, hợp pháp”, “có chất lượng tuân thủ quy định về chất lượng của lãnh thổ nơi xuất xứ”... Một số điều khoản mẫu hợp đồng yêu cầu hàng hóa phải có bản quyền, được bảo hành, đóng gói... đúng quy định.
Cần bắt buộc chứng minh gỗ hợp pháp trong “đề bài” mua sắm công
Từ những rủi ro và thách thức nêu trên cho thấy, đã đến lúc cần kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, trước tiên là trong hoạt động mua sắm công.
Sở dĩ phải bắt đầu từ hoạt động mua sắm công, theo đại diện Nhóm nghiên cứu, là vì xu hướng mua sắm của khu vực công có tác động chi phối rất lớn đối với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng trong xã hội. Ở một số nước phát triển, mua sắm công gồm cả các sản phẩm gỗ chiếm từ 16 - 20% GDP. Thực tế tại Việt Nam, ngân sách nhà nước chi cho mua sắm công hàng năm chiếm khoảng 20 - 30% GDP. Vì vậy, Nhà nước được cho là khách hàng lớn trong thị trường tiêu thụ gỗ nội địa.
Mặc dù vậy, một chuyên gia tư vấn đấu thầu cho rằng, pháp luật về đấu thầu chỉ có thể quy định những nguyên tắc chung trong mua sắm công đối với tất cả các loại hàng hóa, không riêng gì các sản phẩm gỗ. Muốn kiểm soát tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ và các hàng hóa nói chung, đòi hỏi phải quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Liên quan đến quy định chuyên ngành, bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện có Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tuy nhiên, thông tư này mới chỉ giới hạn ở sản phẩm gỗ khai thác, chế biến ở thị trường trong nước. Để khắc phục bất cập này, Bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện để sớm ban hành trong thời gian tới. Còn trước mắt, cần sớm ban hành sổ tay, hay bộ quy tắc hướng dẫn tự nguyện bảo đảm sử dụng gỗ hợp pháp...
Từ những nghiên cứu về chính sách mua sắm công cấp trung ương của Anh, Đan Mạch, Đức..., ông Tô Văn Phúc - chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức quốc tế Forest Trend tại Việt Nam cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần có quy định riêng về mua sắm công xanh, mua sắm công đảm bảo tính hợp pháp và tính bền vững, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội.