Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn có khả năng bị hạ bậc tín nhiệm. Ảnh minh họa: Thành Hoa |
Ngày 2-4, Moody’s hạ triển vọng của hệ thống ngân hàng Singapore từ “ổn định” xuống “tiêu cực” bởi hãng này nhìn nhận: “Chi phí tín dụng sẽ tăng lên do chất lượng tài sản xấu đi, trong khi lãi suất sẽ hạ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ, ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM)”. Moody’s cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng Singapore sẽ xấu đi bởi sự mất khả năng trả nợ sẽ tăng lên trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa và tập đoàn lớn.
Cùng ngày, Ấn Độ cũng bị Moody’s hạ triển vọng của hệ thống ngân hàng của nước này xuống “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó, do Moody’s nhìn nhận rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng Ấn Độ sẽ xấu đi do sự ngừng trệ các hoạt động kinh tế gây ra bởi Covid-19 và sự áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Chưa hết, ngày 2-4 cũng là ngày hãng xếp hạng tín nhiệm này có hành động tương tự với hệ thống ngân hàng của một loạt nước xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh, gồm Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Bahrain và Qatar do sự lao dốc của giá dầu mỏ hồi tháng trước, sau khi Nga không đồng ý với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC. Lý do là giá dầu lao dốc sẽ dẫn đến nhiều khoản vay ngân hàng không được chi trả và các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu tiềm năng. Đồng thời, sự kết hợp giữa trích lập dự phòng tăng lên với tăng trưởng cho vay giảm đi sẽ làm suy yếu lợi nhuận của ngân hàng, theo lý giải của Moody’s.
Như vậy, Covid-19 (ở trường hợp Singapore và Ấn Độ) hay giá dầu (ở trường hợp các nước vùng Vịnh) đã trực tiếp gây tác động xấu đến khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn của ngân hàng và làm tăng nợ xấu cho ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để bù đắp những rủi ro, thiệt hại này vì các doanh nghiệp lớn nhỏ không còn nhu cầu hay khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Lưu ý thêm rằng sự hạ triển vọng xếp hạng này xảy ra bất chấp tình hình sức khỏe khá tốt của hệ thống ngân hàng Singapore trước khi nổ ra đại dịch Covid-19, với tỷ lệ vốn tự có cao và thanh khoản dồi dào.
Cả hai yếu tố nói trên, Covid-19 và giá dầu, đều đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam và hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Dấu hiệu trước tiên của ảnh hưởng này là sự sụt giảm mạnh tăng trưởng GDP trong quí 1, ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong những tuần tới, kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết được công bố sẽ cho thấy rõ hơn mức độ ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là của Covid-19, lên lợi nhuận và vốn của các ngân hàng Việt Nam.
Không khó để nhận định rằng tác động này sẽ là không nhỏ khi hàng loạt ngân hàng đã và sẽ phải tiến hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng nghĩa với sự bào mòn lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, điều đáng lo là Moody’s chẳng cần đợi đến khi biết rõ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên lợi nhuận của ngành ngân hàng mà vẫn hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của những nước nói trên. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần đón nhận tin từ các hãng xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, đặc biệt khi các số liệu thống kê mới cho thấy tác động của đại dịch và giá dầu thực sự là nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
Suy cho cùng, khả năng kềm chế dịch Covid-19 sẽ quyết định xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng có được giữ nguyên hay bị hạ đi. Nếu trong những tuần tới Việt Nam cho thấy sự thành công trong việc kiểm soát bệnh dịch thì sẽ ít có khả năng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam bị hạ thấp, dù trước đó triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam có bị hạ xuống hay không.