Thị trường fintech Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. |
Dồn dập đổ bộ
Thị trường thanh toán còn nhiều tiềm năng của Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó. Hàng trăm triệu USD đã được nhà đầu tư ngoại đổ vào fintech Việt thời gian qua. Hàng loạt fintech đình đám bậc nhất thế giới như Alipay, Wechat Pay, Amazon Pay… đã và đang đặt chân vào Việt Nam.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và có ý định mua lại một số fintech tốt của Việt Nam bởi tiềm năng thị trường rất lớn", ông Varun Mital, lãnh đạo Khối fintech khu vực ASEAN của Ernst&Young chia sẻ.
Trước làn sóng đổ bộ dồn dập của fintech ngoại, không ít người lo ngại, fintech Việt sẽ sớm bị đè bẹp. Tuy nhiên, theo ông Varun Mittal, viễn cảnh này khó xảy ra, bởi fintech ngoại chỉ được hoạt động hạn chế tại Việt Nam.
Các fintech như Alipay, Wechat Pay… vẫn phải thông qua fintech Việt để giúp khách du lịch Trung Quốc có thể sử dụng các ứng dụng này tại Việt Nam.
“Các fintech nước ngoài khi vào Việt Nam, nếu muốn triển khai ứng dụng, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)".
"Tôi tin rằng, NHNN và Chính phủ Việt Nam có thể quyết định được mức độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định nào đó”, ông Varum Mittal nhận định.
Cho đến nay, nhiều ngân hàng, fintech đã vượt qua... nỗi sợ hãi ban đầu và đang tìm cách hợp tác với fintech ngoại để tận dụng lợi thế của cả hai bên. Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank tin tưởng, sẽ không có việc mở toang cửa cho Alipay, Wechat Pay… vào Việt Nam.
Chính phủ và NHNN biết rất rõ nên mở cửa mức nào để vừa đảm bảo cam kết quốc tế, vừa không triệt tiêu sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Thực tế, một số fintech ngoại dù đã đặt chân vào Việt Nam, song cũng chỉ được phép cung cấp dịch vụ thanh toán vượt biên giới.
“Fintech không phải là ngân hàng, họ không thể lấy “sân” của chúng tôi. Vì vậy, thay vì sợ, hãy nghĩ đến chuyện hợp tác. Chúng tôi đang bàn việc hợp tác với ví điện tử Wepay, thuộc Ngân hàng Webank của Tập đoàn Tencent tại Việt Nam”, ông Thắng tự tin cho biết.
Dòng vốn đổ vào fintech sẽ tiếp tục chảy mạnh
Dù khả năng thâu tóm thị trường của fintech ngoại chưa thể diễn ra, song chắc chắn, làn sóng đầu tư nước ngoài vào fintech sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Hiện trong số 78 fintech trong nước, nhiều công ty đã nhận được các khoản đầu tư khủng từ nước ngoài.
“Đến cuối năm nay, nếu số lượng fintech Việt Nam nhận được vốn đầu tư có tăng gấp 5 lần thì cũng không có gì phải ngạc nhiên", ông Jan Bellens, Phó chủ tịch toàn cầu về dịch vụ ngân hàng và thị trường vốn của Ernst&Young dự đoán.
Không chỉ vốn ngoại, mà dòng vốn trong nước đầu tư vào fintech cũng sẽ tăng nhanh. Theo thống kê của Ernst&Young, đến nay, các start-up Việt đã đổ 129 triệu USD vào fintech.
Con số này đang tăng lên rất nhanh, bởi thời gian gần đây, các ngân hàng cũng đang thay đổi cách nhìn về fintech, theo hướng bắt tay với fintech hoặc trực tiếp đầu tư vào fintech.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc Ernst&Young Việt Nam cho hay, khảo sát ngành ngân hàng năm 2018 của Ernst&Young cho thấy, các ngân hàng đang muốn hợp tác nhiều hơn với fintech, thay vì phát triển sản phẩm hoặc giải pháp nội bộ của ngân hàng, bởi nhiều ưu điểm như sản phẩm linh hoạt hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư hơn…
Khảo sát của Ernst&Young tại Đông Nam Á cho thấy, đa phần fintech gặp khó khăn về huy động vốn, 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Báo cáo cũng cho biết, 44% ngân hàng có kế hoạch mua công nghệ từ bên thứ ba, 17% dự định mua lại một công ty khác (fintech) để sử dụng công nghệ của công ty đó.
Tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất trong hợp tác ngân hàng - fintech là chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này.
Hiện tại, NHNN đang nghiên cứu khung pháp lý, tạo sân chơi thử nghiệm cho các fintech. Nếu hành lang pháp lý này được ban hành, chắc chắn, fintech tại Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ và đón dòng vốn khủng.