Ngành đánh bắt thủy sản hưởng lợi từ việc giảm giá dầu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực thì việc giá dầu thô giảm, kèm theo đó là giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và nhiều ngành nghề như phân bón, sản xuất tôn thép, đánh bắt thủy sản...
Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, giá dầu giảm sẽ giúp ngành phân bón, hóa chất được hưởng lợi. Cụ thể như ở ngành phân bón, giá dầu khí giảm sẽ giúp chi phí dầu vào sản xuất urê của doanh nghiệp giảm theo.
Cùng với đó, sản xuất phân lân cũng gián tiếp hạ. Đối với lĩnh vực hóa chất, các sản phẩm hóa chất đầu vào như lưu huỳnh, dầu, nhựa đường... là sản phẩm của lọc hóa dầu.
Do đó, khi giá dầu xuống thấp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng được hưởng lợi chi phí nguyên liệu rẻ. Hơn nữa, khi giá xăng dầugiảm thì cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhập khẩu các mặt hàng này.
Theo ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), năm 2015 vừa qua, đơn vị đã kinh doanh hiệu quả 1,17 triệu tấn phân bón và 25 nghìn tấn NH3. Doanh thu đạt hơn 9.800 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.857 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch.
Trong đó, Chủ tịch PVFCCo cho hay, lợi nhuận tăng lên do giá dầu giảm là 444 tỷ đồng và lợi nhuận giảm do ảnh hưởng tỷ giá tăng là 65 tỷ đồng. Sau khi trừ các yếu tố ảnh hưởng, lợi nhuận PVFCCo vượt so với kế hoạch năm 2015 là 16%.
Một doanh nghiệp tương tự là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng đã được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm; với tổng doanh thu năm 2015 đạt 5.994 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt gần 880 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch năm 2015.
Như vậy, trong năm qua, nhờ giá dầu giảm, lĩnh vực sản xuất phân bón đã đón nhận những tác động rất tích cực.
Vấn đề mà các doanh nghiệp này đang gặp phải là ở việc mức thuế nhập khẩu 0% theo các FTA đã ký kết trong ASEAN và với các đối tác khác làm cho phân bón trong nước chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước Indonesia, Malaysia... Cùng với đó là sự thay đổi, biến động về tỷ giá, lãi vay và nhu cầu ổn định về nguồn khí phục vụ sản xuất...
Cùng với phân bón, hóa chất, lĩnh vực sản xuất tôn thép cũng nhận được những hiệu ứng lan tỏa tích cực từ việc giá dầu giảm, dù không lớn. Việc giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp trong ngành này giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí vận tải, qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá dầu giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thép, vì năng lượng sử dụng trong ngành thép, số lượng về dầu, khí đều có nhưng không nhiều. Chủ yếu trong lĩnh vực cán thì một số doanh nghiệp dùng khí làm nhiên liệu.
Song, về tác động gián tiếp, giá xăng, dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển đáng kể, tương đương khoảng 10-15%. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được phần nào chi phí vận tải, qua đó giảm giá sản phẩm.../.