Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh TTXVN |
Cắt giảm thuế ô tô tác động đến thu ngân sách
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đặt câu hỏi về việc giảm thuế nhập khẩu ô tô làm giảm tiền thu thuế?
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, theo lộ trình cam kết với ASEAN phải cắt giảm thuế quan, 90% dòng thuế về 0%, trong đó có ô tô. Đây không phải là thất thu mà là giảm thu trực tiếp về ngân sách.
Về thuế nhập khẩu, tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng, 6 tháng đầu năm 2017 xe nhập khẩu từ ASEAN tăng 50,4% về lượng, 82,6% về giá trị so với cùng kỳ. Dự kiến nhập khẩu còn tăng.
Xe nhập khẩu tăng đã gây khó khăn cho sản xuất ô tô trong nước. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tới tháng 9/2017 tổng doanh số bán hàng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Có tâm lý khách hàng đang trông chờ sau ngày 31/12/2017 giảm thuế về 0% để mua xe ô tô. Việc này sẽ tác động tới công ăn việc làm và thu ngân sách rất lớn.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định về điện sản xuất, lắp ráp, nhậu khẩu ô tô. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 về biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với toàn bộ linh kiện ô tô nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được về 0% trong giai đoạn 5 năm 2018 - 2022, gắn với điều kiện sản lượng xe sản xuất hàng năm. Mục tiêu kích thích sản xuất trong nước. Qua đó, hỗ trợ thị trường ô tô trong nước phát triển duy trì sản xuất và sức cạnh tranh, tăng thu ngân sách.
Qua làm việc với các địa phương sản xuất ô tô, ví dụ như Quảng Nam, nếu không có các đề xuất này có thể giảm thu 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch của Công ty Trường Hải cũng khẳng định, nếu có nghị định này sẽ đảm bảo nguồn thu. Đây là một trong những giải pháp khuyến khích sản xuất trong nước. Đảm bảo cơ cấu lại ngân sách. Đảm bảo cắt giảm thuế nhập khẩu và tăng thu thuế nội địa.
Chống thất thu thuế
Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về thất thu thuế từ việc kê khai không đúng, không đủ do tình trạng các đơn vị kinh doanh trên mạng không nộp thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để chống thất thu thuế, năm 2016, toàn ngành thuế thực hiện kiểm tra 33.000 cơ sở, số thuế tăng thêm 4.891 tỷ đồng. Trong đó, 73,4% hộ kinh doanh có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán.
Trong 10 tháng của năm 2017, qua kiểm tra 45.500 cơ sở kinh doanh, có 74,91% phải điều chỉnh tăng doanh thu khoán.Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm.
Vừa qua, ngành thuế đã đồng bộ dán tem ở các cây xăng, doanh thu và sản lượng tiêu thụ tăng trên 10%, thuế bảo vệ môi trường cũng tăng theo.
Về kiểm soát thất thu thuế với xe Uber, Grab…, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hai hãng này đã tự động kê khai thuế và ngành thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra và thu thêm thuế. Để kiểm soát thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, về lâu dài, Google, Facebook sẽ có đại diện thương mại tại Việt Nam để quản lý tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về nhiều cơ sở không xuất hóa đơn khi bán hàng, trong khi quy định trên 200.000 đồng bắt buộc phải xuất hóa đơn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng nghị định về hóa đơn để quản lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối thông tin, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm để chấm dứt tình trạng không xuất hóa đơn.
Kết thúc phiên chất vấn thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các lĩnh vực liên quan tới tài chính, ngân sách, quản lý nợ công… luôn được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Đây là những nội dung không mới nhưng liên quan tới nhiều bộ ngành, địa phương, tác động trực tiếp tới hiệu lực, hiệu quả của nền kinh tế, an toàn của hệ thống tài chính quốc gia. Do vậy, cần có giải pháp tập trung, thiết thực để tạo chuyển biến trong thời gian tới. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi , các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, có nhiều dẫn chứng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cùng trả lời, làm rõ các vấn đề.
Qua chất vấn cho thấy, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đấy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính Quốc gia. Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chống thất thu thuế đã được đẩy mạnh, cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn nổi lên nhiều tồn tại hạn chế, quy mô thu ngân sách giảm, tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, thất thu và nợ đọng thuế còn nghiêm trọng, còn để xảy ra tình trạng sai phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan. Mua bán không sử dụng hóa đơn, gian lận trong kê khai, chiếm dụng thuế còn diễn biến phức tạp… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, gắn với hiện đại hóa phương thức quản lý trong lĩnh vực thuế, hai quan. Triển khai ứng dụng thuế, hải quan điện tử. Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn trong mua bán hàng hóa.
Triển khai hệ thống hải quan điện tử, tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt hoạt động tạm nhập tái xuất. Thu đúng, thu đủ, chủ động nguồn thu cho ngân sách, chống thất thu. Thực hiện thông suốt cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN.
Xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Đổi mới công tác thu thuế với các hộ kinh doanh. Xử lý tình trạng nợ đọng thuế. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá.
Chính phủ cần quản lý chặt nợ công, cơ cấu lại nợ công theo nghị quyết của Quốc hội. Đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án không hiệu quả.