Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Hàng loạt nhà thầu vi phạm
Cuối tháng 12/2019, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận có Báo cáo số 4702/BC-SYT về tình hình vi phạm của nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng cho các gói thầu mua thuốc năm 2018. Trong đó, cơ quan này “bêu tên” 21 lượt nhà thầu có hành vi cung cấp gián đoạn, không cung ứng, không ký kết hợp đồng như: Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn...
Trước đó, tại Báo cáo số 405/BC-SYT, Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, nhà thầu vi phạm quá trình cung ứng thuốc trúng thầu năm 2019 - 2020 là Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 - Phytopharma. Theo đó, nhà thầu này đã không ký hợp đồng cung ứng thuốc Amlor Cap 5mg 30’S với Công ty CP Thanh Hải Điện Biên và Phòng khám đa khoa Thanh Hải; vi phạm thỏa thuận khung với Sở Y tế tỉnh Điện Biên.
Theo Báo cáo mới đây về tình hình vi phạm của nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc năm 2019 của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, có 7 lượt nhà thầu vi phạm thực hiện hợp đồng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột như: cung cấp gián đoạn thuốc, không thương thảo hợp đồng, không cung cấp được thuốc đã trúng thầu.
Về hình thức xử lý vi phạm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, các bệnh viện đã chấm dứt phần hợp đồng mà nhà thầu không thực hiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại do có hành vi vi phạm hợp đồng; không hoàn trả bảo đảm dự thầu đối với phần hợp đồng mà nhà thầu không thương thảo.
Sau khi ra quyết định xử phạt, ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các nhà thầu vi phạm đã cơ bản chấp hành quyết định xử lý, trừ Công ty TNHH Thương mại dược phẩm - thiết bị y tế Thanh Minh (Công ty Thanh Minh).
Phản hồi với Báo Đấu thầu về quyết định xử phạt trên, đại diện Công ty Thanh Minh cho rằng mức phạt 5% trên tổng giá trị hợp đồng khoảng 560 triệu đồng là không thỏa đáng. Về tình trạng cung cấp gián đoạn mặt hàng thuốc Pagzine, Công ty đã thông báo kịp thời cho Bệnh viện, với lý do nhà sản xuất tạm ngừng sản xuất vì lỗi công thức. Vì vậy, Công ty cho rằng, mức xử phạt phù hợp chỉ là không hoàn trả bảo đảm dự thầu. Trong khi đó, Bệnh viện cũng nhiều lần không tuân thủ hợp đồng theo quy định (không đảm bảo mua tối thiểu 80% số lượng thuốc đã ký kết trong hợp đồng) nhưng lại không bị xử lý.
Thu hồi, rút quyết định xử lý vi phạm
Tuy nhiên, không lâu sau đó, một số chủ đầu tư lại đột ngột xin thu hồi, rút các quyết định xử lý vi phạm này.
Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết Báo cáo ban đầu chỉ dựa trên thông tin một chiều của các cơ sở y tế gửi tới, mà chưa có sự kiểm chứng, kiểm tra lại. Kết quả rà soát cho thấy, trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư và nhà thầu không có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến việc nhà thầu không được thông tin kịp thời để chủ động nguồn cung. Trong khi đó, các cơ sở y tế không báo cáo đầy đủ, rõ ràng về tình hình thực hiện kết quả trúng thầu và có tình trạng đổ hết lỗi cho nhà thầu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 11/2/2020, ông Nguyễn Hữu Sen - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, Phytopharma đã ký hợp đồng cung ứng mặt hàng thuốc nêu trên, thực hiện đúng thỏa thuận khung. Việc chậm ký hợp đồng cung ứng thuốc do Công ty không đồng ý với hình thức mua nợ 3 tháng của cơ sở y tế tư nhân, không phải vi phạm quy định như đã báo cáo trước đó.
Bình luận về hiện tượng trên, theo một số chuyên gia, thực tế có nhiều nguyên nhân khiến nhà thầu bị gián đoạn cung ứng thuốc như nhập khẩu bị chậm hoặc không nhập được do từ phía nhà sản xuất... Những trường hợp này thường rơi vào hàng hóa độc quyền (biệt dược gốc) do một số công ty như Vimedimex Bình Dương, Phytopharma cung cấp. Còn ở các cơ sở y tế, do sự thay đổi của tình hình dịch bệnh từng năm khác nhau nên khó tránh việc dự trù sai kế hoạch sử dụng thuốc, dẫn tới yêu cầu cung ứng thuốc gấp gáp khiến nhà thầu không kịp đáp ứng. Do đó, rất cần vai trò điều tiết của các cơ quan chức năng trong việc cân đối và bổ sung kịp thời thuốc bị thiếu để đáp ứng nhu cầu điều trị.