Sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng trên sông Đồng Nai. Ảnh: Văn Huyền |
Thực tế tại cầu Hóa An ngày 10/6/2016, hàng chục sà lan chở đá, ghe tàu chở hàng neo đậu dưới lòng sông ở cả thượng nguồn và hạ nguồn cầu Ghềnh kéo dài hàng trăm mét. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, ban an toàn giao thông, thanh tra liên ngành luôn phải túc trực để điều tiết, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ phương tiện, tài công khi lưu thông qua khu vực này.
Tại phía thượng nguồn, hàng chục sà lan chở đá, cát, vật liệu xây dựng nối đuôi nhau neo đậu giữa lòng sông. Các tài công chia sẻ, những ngày đầu sau khi cầu Ghềnh sập đã cắt đứt tuyến đường thủy duy nhất ngược thượng nguồn sông Đồng Nai. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề nhất của vụ sập cầu Ghềnh là vận tải đường sắt bị đình trệ, dẫn đến quá tải vận tải thủy, vận tải bộ. Do đó, hơn ba tháng nay, tình hình lưu thông thủy, bộ sau khi cầu Ghềnh sập 2 nhịp là rất căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế khu vực TP.HCM và cả miền Trung, miền Bắc.
“Xà lan chở vật liệu xây dựng là một trong những phương tiện bị ảnh hưởng nhiều nhất sau vụ sập cầu Ghềnh vì đây là huyết mạch lưu thông trọng yếu. Nếu sự cố cầu Ghềnh chậm khắc phục, cầu mới chậm đưa vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhiều nhà thầu xây dựng trong toàn khu vực” - một nhà thầu xây dựng tại Đồng Nai chia sẻ với Báo Đấu thầu.