Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Bài ca “chỉ thuê thiết bị, nhân lực”
Khi bị phát hiện, hoặc bị chính các nhà thầu phụ tố cáo việc bán thầu trái phép, thông thường, các nhà thầu trực tiếp ký hợp đồng với chủ đầu tư luôn biện minh bằng chiêu bài “chỉ thuê thiết bị, nhân lực để phục vụ tốt hơn cho công tác thi công”. Tuy nhiên, không ít trường hợp, lập luận đối phó này của các nhà thầu nhằm che đậy hành vi bán thầu đã bị vạch rõ.
Tại Dự án Đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk cách đây vài năm đã xảy ra hiện tượng này. Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (TCQM) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhà thầu Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (TCT Sông Hồng) đã sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại Gói thầu số 9 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk. Theo TCQM, gói thầu này có chiều dài 3,97km, trị giá 110,835 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu TCT Sông Hồng thực hiện 74% theo giá trị hợp đồng. Nhà thầu Công ty Xây dựng thương mại (XDTM) Sài Gòn thực hiện 26% theo giá trị hợp đồng. Gói thầu số 9 được Bộ GTVT chỉ định thầu cho Liên danh TCT Sông Hồng - Công ty XDTM Sài Gòn nhưng TCT Sông Hồng không trực tiếp thi công, mà giao lại cho đơn vị khác là Công ty CP Sông Hồng 36. Sau đó lại giao cho 2 đơn vị khác thực hiện là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô.
Thời điểm đó, TCT Sông Hồng khẳng định không thuê nhà thầu phụ mà chỉ sử dụng nhân lực, thiết bị.
Tuy nhiên, phản biện giải trình của Nhà thầu, Bộ GTVT nhận định: “Một sản phẩm được hoàn thành chủ yếu nhờ vào sự tác động của nhân lực và thiết bị, trong trường hợp này TCT Sông Hồng không có hai yếu tố quan trọng này và phần tài chính thì của chủ dự án. Như vậy, có thể khẳng định việc nhượng thầu là có thực”.
Câu chuyện tại Dự án xây dựng 3 trường học của tỉnh Tiền Giang cũng hoàn toàn tương tự khi nhà thầu trúng thầu đã “sang tay” ngay lập tức 3 hợp đồng cho một loạt thầu phụ B, B’. Hợp đồng có đầy đủ chữ ký ba bên, thể hiện rõ phần việc thi công từng hạng mục, nhưng khi ra tòa, nhà thầu bán thầu vẫn khăng khăng “chúng tôi chỉ mua vật liệu xây dựng, không có chuyện bán thầu”…
Cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát
Trao đổi với Báo Đấu thầu trước câu chuyện bán thầu, chuyên gia đấu thầu - TS. Nguyễn Việt Hùng bày tỏ rất nhiều quan ngại. Vị chuyên gia này cho rằng, để xảy ra chuyện bán thầu, đầu tiên cần xem xét trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng. Thứ hai là trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát khi để xảy ra tình trạng bán thầu công khai, đến mức các nhà thầu phụ gửi đơn kêu cứu.
“Giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng là một trong những kênh khách quan nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả của toàn bộ công tác đấu thầu. Tuy nhiên, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, nên dẫn đến tình trạng bán thầu, nhượng thầu trái phép vẫn đang diễn ra phổ biến trong lĩnh vực xây lắp. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án, làm giảm hiệu quả của công tác đấu thầu. Chưa kể, việc nhượng thầu, bán thầu trái phép tạo kẽ hở cho nhà thầu lớn chiếm dụng vốn của nhà thầu nhỏ, tạo điều kiện cho những nhà thầu thiếu năng lực, trình độ đảm nhận các dự án sử dụng ngân sách nhà nước”, chuyên gia Nguyễn Việt Hùng bình luận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khác nhận định, để xảy ra hiện tượng bán thầu, nhượng thầu trái phép qua các trường hợp kể trên đều có nguyên nhân sâu xa là việc lựa chọn nhà thầu, đánh giá năng lực nhà thầu, giám sát thực hiện hợp đồng chưa đảm bảo chặt chẽ. Chuyển nhượng thầu trái phép gây ra những hệ lụy khôn lường đối với tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án và cần được xử lý nghiêm để kịp thời chấn chỉnh, răn đe.