Những biến tướng của giấy phép con trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nhiều phản ánh về tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) phát sinh “giấy phép con” cản trở sự tham gia của nhà thầu, nhiều bên mời thầu không còn yêu cầu trực diện các tài liệu này. Tuy nhiên, thực tế đang xuất hiện một số biến tướng của “giấy phép con”, bản chất vẫn phát sinh chi phí, khó khăn cho nhà thầu ở bước lập hồ sơ dự thầu (HSDT).
Có hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu mô tả vị trí và hình ảnh bãi đổ thải tạm công trình
Có hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu mô tả vị trí và hình ảnh bãi đổ thải tạm công trình

Ngày 22/9/2023, Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) có thông báo về việc gia hạn thời điểm đóng thầu Gói thầu Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng Khu dân cư Phú Riềng (13,9 ha) thuộc dự án cùng tên. Gói thầu có giá trị 6,253 tỷ đồng được lùi thời điểm đóng thầu đến ngày 27/9/2023 với lý do trả lời nội dung làm rõ HSMT của nhà thầu.

Được biết, ngay sau khi phát hành HSMT, nhà thầu đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu làm rõ nội dung: Tại mục 6.3 Chương 3 Tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật về phương án xử lý chất thải công trình có yêu cầu “mô tả vị trí và hình ảnh bãi đổ thải tạm công trình”. Theo nhà thầu, việc bố trí bãi đổ thải tạm phải được chính quyền địa phương đồng ý và chấp thuận cho nên yêu cầu trên sẽ gây khó khăn cho nhà thầu trong công tác lập HSDT. Khi chưa được cấp phép đổ thải, nhà thầu không thể mô tả vị trí, có hình ảnh bãi đổ thải tạm công trình để đưa vào HSDT.

Dù lùi thời điểm đóng thầu, nhưng văn bản trả lời làm rõ của Bên mời thầu vẫn bảo lưu tiêu chí này vì lý do HSMT tuân thủ Luật Xây dựng, Tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức thi công và Luật Bảo vệ môi trường. Lập luận của Bên mời thầu là: “chỉ yêu cầu nhà thầu đề xuất, mô tả vị trí và hình ảnh bãi đổ thải tạm công trình chứ không yêu cầu nhà thầu phải cung cấp các chứng từ liên quan gây ra khó khăn”.

Tại Gói thầu số 1 (Xây lắp) Hệ thống chiếu sáng khu 15 xã Long Đức, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) thuộc dự án cùng tên, nhà thầu có văn bản đề nghị làm rõ việc Bên mời thầu yêu cầu bộ đèn LED 100W-220V-IP=66 phải có chứng nhận ISO 45001:2018. Trong khi đó, Chứng nhận Hệ thống quản lý sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp ISO 45001:2018 nhằm cải thiện hiệu suất trong việc ngăn ngừa thương tích và tổn hại sức khỏe. Theo nhà thầu, trên thị trường hiện có rất ít nhà sản xuất đèn LED có chứng nhận này.

HSMT cũng yêu cầu thân đèn bằng nhôm đúc áp lực, sơn tĩnh điện chịu được môi trường khắc nghiệt. Mẫu thân đèn là mẫu chính của nhà sản xuất, được đúc nổi tên/logo của nhà sản xuất, không phải thân đèn thương mại có khắc tên/logo của nhà sản xuất. Theo nhà thầu, việc đúc nổi, chìm, khắc laser tên/logo của nhà sản xuất lên bộ đèn là do tư duy thiết kế, thẩm mỹ của từng nhà sản xuất, nên việc yêu cầu phải đúc nổi tên/logo là mang tính áp đặt tư duy thẩm mỹ của một nhà sản xuất cụ thể, nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Bên cạnh đó, HSMT còn yêu cầu phải có chứng nhận CO/CQ cho cả bộ đèn. Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được loại hàng hóa này đạt chất lượng theo các tiêu chuẩn hiện hành. Mặt khác, Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Vì vậy, việc yêu cầu bộ đèn phải có chứng nhận xuất xứ, chất lượng dành cho hàng hóa nhập khẩu là đi ngược với chỉ thị trên.

Trao đổi với phóng viên, nhà thầu cho biết, HSMT đã làm phát sinh thêm 3 giấy phép con, gây bất lợi cho nhà thầu. Trước đề nghị làm rõ của nhà thầu, Bên mời thầu không có động thái trả lời.

Tại Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị văn phòng năm 2023 thuộc Dự án Mua sắm tài sản, thiết bị làm việc cơ quan Sở Xây dựng, các đội thanh tra địa bàn quận - huyện và TP. Thủ Đức (TP.HCM), một biến tướng khác của giấy phép con là HSMT đưa ra yêu cầu nhân sự được tập huấn từ… chính hãng. Trong khi đó, phạm vi cung cấp hàng hóa của Gói thầu là các thiết bị thông dụng, phổ biến.

Theo chuyên gia về đấu thầu, tình trạng lạm dụng các tài liệu, chứng nhận khi mời thầu chính là “cài” giấy phép con trong đấu thầu. Pháp luật về đấu thầu đã có hướng dẫn cụ thể để giúp các bên mời thầu xây dựng HSMT khoa học, chuẩn mực nhằm lựa chọn nhà thầu đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mà không gây khó khăn, gánh nặng chi phí cho các nhà thầu giai đoạn lập HSDT. Bên cạnh đó, nhiều bên mời thầu hoặc chưa cập nhật quy định, hoặc nhầm lẫn yêu cầu ở giai đoạn mời thầu, làm rõ HSDT, hoặc thương thảo hợp đồng dẫn tới bức xúc từ phía nhà thầu, kiến nghị phức tạp, kéo dài do biến tướng của các loại giấy phép con.

Tin cùng chuyên mục