Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án này với mục tiêu, lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, công cuộc “đại tu” hệ thống ngân hàng dường như vẫn đang trên lộ trình không ít chông gai.
*Thiếu hành lang pháp lý để tái cơ cấu
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Thống đốc nêu rõ, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém. Những yếu kém căn bản chưa được giải quyết hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại yếu kém đã được mua bắt buộc, như quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn.
Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể. Nguyên nhân của tồn tại này do nhiều yếu tố; trong đó, quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Hay nói cách khác, cơ sở pháp lý hiện hành về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa có các quy định pháp luật cụ thể để thực hiện các biện pháp phục hồi, củng cố tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém nói chung, ngân hàng mua bắt buộc nói riêng.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhận định, qua quá trình tổng kết, đánh giá Đề án 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trên thực tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó yếu tố chủ yếu là các vấn đề như năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động.
Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng được kỳ vọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời từ khâu phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém đến khâu phục hồi, củng cố năng lực để các tổ chức tín dụng yếu kém có khả năng trở thành tổ chức tín dụng lành mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Cơ quan này cũng nhìn nhận, nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.
Nhờ đó, sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
*“Mạng nhện” sở hữu chéo vẫn khó gỡ
Trong nhiệm vụ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu phải xử lý quyết liệt tình trạng sở hữu chéo tại tổ chức tín dụng, minh bạch hóa nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng, đảm bảo các cổ đông lớn tại đây phải thực sự có năng lực tài chính.
Vẫn khó gỡ "mạng nhện" sở hữu chéo. Ảnh minh họa: TTXVN
Cơ quan này khẳng định, hiện nay, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.
Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.
Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dung; trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.
Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các tổ chức tín dụng trên thế giới với quy mô và độ phức tạp khác nhau. Ở Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng là vấn đề có tính lịch sử, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất.
Giới phân tích nhìn nhận, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng là tất yếu gắn với quá trình phát triển của các tổ chức tín dụng. Đây không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều và đó phải là quá trình tích hợp giải quyết nhiều vấn đề của ngành ngân hàng và nó cần một chặng đường dài.
Theo Luật sư Bùi Quang Tín, sở hữu chéo không chỉ tổ chức tín dụng sở hữu lẫn nhau mà còn thông qua cả các doanh nghiệp. Có thể thấy, rủi ro của sở hữu chéo còn tồn tại rất nhiều. Đặc biệt khi đó là quyền lợi của nhóm lợi ích, không chỉ chạy quanh những người nằm trong ngân hàng, mà còn là những cá nhân bên ngoài. Chính điều này làm chậm quá trình giải quyết sở hữu chéo.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì cho rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong vấn đề giải quyết sở hữu chéo, và cũng đã đạt được những thành công nhất định để giảm thiểu một cá nhân, hoặc một tập thể sở hữu nhiều ngân hàng với mục đích lợi dụng ngân hàng mình sở hữu trục lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia giàu kinh nghiệm này cũng nhìn nhận, đâu đó vẫn có những ngân hàng sở hữu ngoài quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, không những về số lượng mà còn cả về tỷ lệ sở hữu.