Dữ liệu của FiinGroup trên hai sàn niêm yết cho thấy có 357 mã cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2019 giảm so với đầu năm. Trong đó, HoSE và HNX ghi nhận 31 mã giảm trên 50%.
5 mã cổ phiếu giảm mạnh nhất năm 2019 tính trên hai sàn niêm yết. Đồ họa:Tạ Lư
Đứng đầu trong danh sách giảm mạnh là TKC của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ. TKC khởi đầu năm 2019 với thị giá gần 30.000 đồng nhưng kết thúc năm chỉ còn 3.400 đồng, giảm 89%.
Đà giảm của cổ phiếu này được dẫn dắt bởi sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, TKC đạt hơn 468 tỷ đồng doanh thu, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế âm gần 1,6 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi hơn 11 tỷ trong 9 tháng năm 2018.
FTM, cổ phiếu đứng thứ hai trong danh sách này, gắn với một trong những sự kiện "đáng quên" của thị trường chứng khoán năm 2019. Khác với TKC, FTM thậm chí còn tăng giá trong nửa đầu năm. Cổ phiếu này khởi đầu năm 2019 với thị giá 15.000 đồng và tăng lên vùng giá 25.000 đồng vào đầu tháng 8/2019.
Tuy nhiên, sau khi công bố báo cáo kiểm toán bán niên có lợi nhuận âm, cổ phiếu FTM bị Sở HoSE đưa vào diện không được phép giao dịch ký quỹ (margin). Hệ quả là chuỗi giảm sàn liên tục 25 phiên do bị các công ty chứng khoán bán giải chấp. Vấn đề là cổ phiếu FTM, với thanh khoản trước đó xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên, bất ngờ không còn nhà đầu tư nào giao dịch. Thanh khoản những phiên lao dốc chỉ còn vài nghìn, thậm chí vài trăm cổ phiếu.
Cuộc họp đầu tháng 9 của một số công ty chứng khoán xác định 10 cá nhân mở tài khoản và dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng kiểm soát, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước. Đến cuối năm 2019, thị giá FTM về dưới ngưỡng 2.000 đồng, giảm 88% so với đầu năm.
Trong nhóm giảm mạnh nhất hai sàn niêm yết, YEG là cái tên đặc biệt nhất bởi hiếm có trường hợp doanh nghiệp nào có vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng lọt vào danh sách này. YEG khởi đầu năm 2019 với thị giá 235.000 đồng - một trong những mã đắt giá nhất thị trường, tương đương với vốn hóa hơn 7.350 tỷ. Đến cuối năm, YEG giảm xuống còn 37.000 đồng, giá trị vốn hóa xấp xỉ 1.100 tỷ, giảm hơn 84% so với đầu năm.
Quá trình sụt giảm của cổ phiếu này gắn với sự cố YouTube trong nửa đầu năm. Đầu tháng 3/2019, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Yeah1. Một tháng sau đó, Yeah1 xác nhận đã đàm phán thất bại. Do không lượng hóa được mức độ ảnh hưởng với một mô hình kinh doanh mới, hầu hết nhà đầu tư quyết định rời khỏi YEG.
"Niêm yết với mức thị giá khủng, lại hoạt động trong một lĩnh vực hết sức mới mẻ, cổ phiếu YEG đã thu hút sự chú ý từ khi lên sàn", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về cổ phiếu YEG viết. "Dù vậy, không nhiều nhà đầu tư thực sự hiểu về mô hình hoạt động của Yeah1".
Hai cái tên còn lại trong danh sách sụt giảm là TTB và SJF, với biên độ giảm lần lượt là 81% và 75%.
So với toàn sàn niêm yết, mức độ giảm của nhóm bluechip thấp hơn. Đứng đầu về sắc đỏ trong nhóm VN30 là CTD. So với đầu năm 2019, cổ phiếu này giảm 67%, chốt phiên giao dịch cuối năm ở mức 51.300 đồng, tương đương với giá trị vốn hóa hơn 3.900 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp xây dựng trong nhóm đầu, CTD chịu ảnh hưởng lớn bởi sự giảm tốc của thị trường bất động sản, đặc biệt là khu vực TP HCM. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn chịu cạnh tranh gay gắt bởi những đối thủ xuất phát từ "người cũ" của công ty. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của CTD giảm lần lượt 22% và 60% so với cùng kỳ năm 2018, biên lợi nhuận gộp chạm đáy trong nhiều năm trở lại đây.
Top 5 cổ phiếu giảm mạnh nhất VN30. Đồ họa:Tạ Lư
Tương tự CTD, ảnh hưởng với SSI cũng phần nhiều từ câu chuyện thị trường. Doanh nghiệp chứng khoán nội đứng đầu về quy mô và thị phần môi giới hai sàn niêm yết gặp khó khăn do thị trường chung suy giảm và cạnh tranh từ nhóm các công ty chứng khoán Hàn Quốc. Trong cả năm 2019, cổ phiếu SSI giảm 29% so với đầu năm, vốn hóa đến cuối năm về dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Khác với CTD và SSI, vấn đề của MSN chỉ xuất hiện trong những tháng cuối năm, liên quan đến thương vụ mua lại chuỗi Vinmart của Vingroup. Nhìn về dài hạn, cái bắt tay giữa hai tỷ phú Việt được kỳ vọng sẽ là mảnh ghép tương hỗ với cả hai bên. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thỏa thuận này có thể trở thành gánh nặng về mặt tài chính. Mảng bán lẻ của Vingroup lỗ hơn 5.100 tỷ đồng trong năm gần nhất khiến nhà đầu tư lo ngại về bức tranh tài chính của Masan trong năm tới. Một phần đà sụt giảm còn xuất phát từ trạng thái bán ròng của khối ngoại, với lực bán tăng vọt sau thông tin về thương vụ.
Hai cái tên còn lại trong nhóm VN30 là BVH và SAB với mức sụt giảm lần lượt là 22% và 14%.
BVH bắt đầu năm 2019 ở mức gần 88.000 đồng, tăng lên mức đỉnh trong năm hơn 96.000 đồng và giao dịch trong biên độ hẹp quanh vùng giá 90.000-95.000 đồng đến giữa quý II. Tuy nhiên, đầu tháng 5, BVH bất ngờ giảm sàn hai phiên liên tiếp và chìm trong sắc đỏ chuỗi 8 phiên, rơi về vùng giá 72.000 đồng. Đà giảm liên quan đến lượng cổ phiếu ESOP phát hành một năm trước đó được mở khóa giao dịch. Lượng cung tăng cao, trong khi nhu cầu ổn định của thị trường chỉ hơn 100.000 đơn vị khiến cổ phiếu chịu tác động tiêu cực. Đến cuối năm 2019, thị giá BVH chỉ còn 68.600 đồng.
Tương tự BVH, biên độ dao động của SAB trong năm 2019 cũng cao, nhưng bức tranh chung cả năm là sụt giảm. Cổ phiếu này kết thúc năm 2018 với thị giá gần 266.000 đồng, tăng lên mức đỉnh hơn 285.000 vào giữa năm, nhưng kết thúc năm chỉ còn 228.000 đồng. Thanh khoản trung bình 52 phiên gần nhất chưa tới 30.000 cổ phiếu.