Nếu địa phương có quỹ đất dôi dư, có thể tạo nguồn hoàn vốn cho nhà đầu tư BT, nhưng phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Ảnh: Tiên Giang |
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng nêu rõ đây là một phương thức mới trong đầu tư xây dựng trụ sở làm việc. Dù không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng làm thế nào đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư là vấn đề đang được đặt ra.
BT là chủ yếu
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đề xuất xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức PPP, chủ yếu là hợp đồng BT. Đầu năm nay, UBND tỉnh Thái Bình đã duyệt đề xuất Dự án Trụ sở liên cơ quan, với tổng mức đầu tư hơn 262 tỷ đồng, theo hợp đồng BT. Cuối năm 2015, Trụ sở làm việc của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng được duyệt đầu tư theo hợp đồng BT với tổng mức đầu tư hơn 226 tỷ đồng... Các trung tâm hành chính tập trung hàng nghìn tỷ đồng không được sử dụng vốn nhà nước đã được Khánh Hòa, Nghệ An, Hải Dương đề xuất thực hiện theo hợp đồng BT.
Một trong nhiều chất xúc tác khiến “nở rộ” xây dựng trụ sở theo hình thức PPP là ngân sách eo hẹp. Ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2128/TTg-KTN yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Không chỉ các khu hành chính tập trung, những dự án xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công cũng rất ít có cơ hội được đầu tư từ vốn nhà nước. Theo Bộ Tài chính, với quy định của Luật Đầu tư công, việc đầu tư xây dựng trụ sở hoặc khu hành chính tập trung của địa phương đòi hỏi các điều kiện rất khắt khe, phải được HĐND thông qua và có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua cho thấy, dự án đầu tư mới xây dựng trụ sở làm việc rất khó có nguồn bố trí vốn.
Về mặt pháp lý, Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã xác định trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước là một trong những lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP. Tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được đưa ra lấy ý kiến. So với Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008, Dự thảo Luật lần này bổ sung hình thức mới trong đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP.
Không dễ dãi duyệt dự án xây trụ sở làm việc
Một số ý kiến lo ngại, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức PPP, mà chủ yếu đã được thực hiện theo hợp đồng BT, nếu thực hiện không chặt chẽ, không đúng quy định, có thể phát sinh một số hệ lụy. Trong bối cảnh hiện nay, nếu sử dụng vốn đầu tư công, dự án xây dựng trụ sở sẽ không được phê duyệt, nhưng chuyển qua áp dụng PPP thì có thể một số địa phương dễ dãi trong duyệt dự án.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, dù đầu tư theo hình thức nào cũng phải rất thận trọng khi phê duyệt dự án. Cần tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với những quyết định đầu tư, quy mô dự án xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức PPP, đảm bảo dự án thật cần thiết mới đầu tư, dù có sử dụng vốn nhà nước hay không.
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, nếu địa phương có quỹ đất dôi dư, có thể tạo nguồn hoàn vốn cho nhà đầu tư, thì việc khai thác theo hợp đồng BT là có thể tận dụng được nguồn lực. Tuy nhiên, phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh, hiệu quả.