Nương nhẹ trong xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, năm 2020, có 37 nhà thầu bị các chủ đầu tư công khai danh tính vi phạm pháp luật về đấu thầu. Trong đó có 26 trường hợp vi phạm thực hiện hợp đồng, 9 trường hợp gian lận trong đấu thầu, 1 trường hợp đánh giá hồ sơ dự thầu không đúng và 1 trường hợp thẩm định sai kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng có phần nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, số lượng nhà thầu bị các chủ đầu tư công khai danh tính vi phạm pháp luật về đấu thầu năm 2020 giảm 9 trường hợp so với năm 2019. Trong đó có 26 trường hợp nhà thầu vi phạm thực hiện hợp đồng (chậm tiến độ thực hiện, không thực hiện các công việc đã cam kết trong hợp đồng). Hình thức xử lý đối với các nhà thầu này chỉ dừng ở việc chấm dứt thực hiện hợp đồng, chỉ định nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại mà không bị xử phạt hành chính. Theo chuyên gia về đấu thầu, việc chỉ xử lý ở mức chấm dứt hợp đồng, không xử phạt hành chính là chưa đủ mạnh để răn đe nhà thầu tái diễn vi phạm. Điều này có thể có 2 nguyên nhân, hoặc là hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu ký quá lỏng lẻo nên không có cơ sở, chế tài xử phạt khi nhà thầu vi phạm hợp đồng, hoặc là chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền “nương nhẹ” trong xử lý vi phạm.

Trong số 26 nhà thầu vi phạm thực hiện hợp đồng thì Hộ kinh doanh Hưng Phát (có địa chỉ tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) bị “bêu tên” 3 lần, do Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Phước; Ban Quản lý dự án (QLDA) UBND huyện Định Quán, Đồng Nai; Điện lực Nhơn Trạch, Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt vào các tháng 7, tháng 8 và tháng 10/2020. Còn Công ty CP Phát triển bất động sản Sài Gòn 3 lần bị Sở Tài nguyên và Môi trường Trà Vinh ban hành quyết định xử phạt vi phạm về đấu thầu. Liên danh Công ty TNHH Thành Trung và Công ty TNHH Xây dựng Vũ Phương Nam 2 lần bị Ban QLDA xây dựng huyện U Minh, Cà Mau ban hành các quyết định xử phạt vi phạm trong đấu thầu.

Đối với 9 trường hợp nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 thì đều bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 3 - 5 năm. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Thái Bình Dương (địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty CP Đầu tư xây dựng Huy Thành (địa chỉ tại quận Hà Đông, Hà Nội) bị cấm thầu 5 năm. 7 nhà thầu vi phạm còn lại đều bị cấm thầu 3 năm. Đó là: Công ty TNHH Xây dựng và tư vấn kiến trúc Mộc Văn Hà (Quảng Nam); Công ty TNHH Xây dựng điện Hòa Phát (Đồng Tháp); Công ty TNHH Thành Tiến (Hà Nội); Công ty TNHH Tuấn Anh (Vĩnh Long); Công ty CP Kỹ thuật công nghệ cao Nguyễn Thành Đạt (Đà Nẵng); Công ty CP Công nghệ LED D&Q Việt Nam (Hà Nội); Công ty CP Sametel (Đồng Nai).

Tháng 11/2020, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Chuẩn Việt (TP.HCM) vì đánh giá hồ sơ dự thầu không đúng tiêu chuẩn; xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng COVICO (Vĩnh Long) vì thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không chính xác, dẫn đến làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho biết, trung bình mỗi năm cả nước triển khai và lựa chọn nhà thầu cho khoảng 200.000 gói thầu thì con số 37 trường hợp nhà thầu bị “bêu tên” là rất nhỏ. Đây là những “hạt sạn” trong công tác đấu thầu của cả nước nhưng chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên, năm 2020 và những năm trước đó, không có trường hợp bị xử lý nào thuộc về chủ đầu tư, bên mời thầu hay cấp có thẩm quyền. Điều này cho thấy việc xử lý các vi phạm trong đấu thầu chưa đầy đủ và triệt để, bởi công tác lựa chọn nhà thầu liên quan đến nhiều bên, không ngoại trừ trường hợp những vi phạm của nhà thầu có trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu.

Tin cùng chuyên mục