Phân tích chi phí vòng đời hàng hóa để tối ưu hóa mua sắm, giảm thiểu tác động đến môi trường

(BĐT) - Nằm trong khuôn khổ Chương trình Đấu thầu bền vững (SPP) được thực hiện bởi Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam, khóa đào tạo về tính chi phí vòng đời hàng hóa (Life Cycle Costing - LCC) đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 24 - 26/9/2024 với sự tham gia của các chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu và Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khóa đào tạo về tính chi phí vòng đời hàng hóa (Life Cycle Costing - LCC) đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 24 - 26/9/2024
Khóa đào tạo về tính chi phí vòng đời hàng hóa (Life Cycle Costing - LCC) đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 24 - 26/9/2024

Khóa đào tạo được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ các chuyên gia thuộc chính phủ Việt Nam và Sri Lanka ứng dụng công cụ tính chi phí vòng đời hàng hóa (LCC) vào việc đánh giá hồ sơ dự thầu khi thực hiện mua sắm công. Khóa đào tạo hướng tới việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn bao gồm kiến thức, kỹ năng và rèn luyện năng lực thực hành cho các học viên tham gia.

Giảng viên của khóa đào tạo là ông Tobias Schleicher và bà Lucia Gascón Castillero đến từ Viện nghiên cứu Oeko-Institut e.V, Cộng hòa liên bang Đức. Đây là 2 nhà nghiên cứu có nhiều năm kinh nghiệm về dòng sản phẩm và vật liệu bền vững.

Bên cạnh cách đánh giá vòng đời (LCA) thì chi phí vòng đời (LCC) là một khái niệm có tính ứng dụng cao, có thể giúp các quốc gia hướng đến mục tiêu đấu thầu bền vững (SPP) hay mua sắm xanh (GPP).

Các quy định pháp lý về đấu thầu của nhiều nước trên thế giới thường sử dụng tiêu chí “hiệu quả kinh tế” là một trong những tiêu chí khi xem xét lựa chọn nhà thầu, nhà thầu chào mức giá thấp nhất, tiết kiệm nhất sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Vì vậy, giá trở thành một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình đánh giá. Từ đây, yếu tố giá trở thành khía cạnh tiếp cận hiệu quả để khái niệm SPP, GPP có thể tiếp cận và tạo ảnh hưởng đến quyết định của chủ đầu tư khi thực hiện công tác đấu thầu.

Khi chủ đầu tư thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ hay xây dựng công trình nào đó, họ thường chỉ tập trung cân đo chi phí đầu vào để đánh giá về giá của sản phẩm, dịch vụ, công trình đó. Tuy nhiên, chi phí đầu vào chỉ là một trong những yếu tố chi phí sinh ra từ việc thực hiện mua sắm, sở hữu, thải bỏ sản phẩm, dịch vụ hoặc công trình; tức khi xem xét về giá thì chúng ta nên xem xét chi phí trên cả vòng đời (LCC) của hàng hóa, dịch vụ hoặc công trình, từ thời điểm mua về sử dụng cho đến thời điểm thanh lý. Việc tích hợp tư duy LCC vào quá trình đấu thầu từ bước lập kế hoạch đấu thầu đến khi đánh giá hồ sơ dự thầu là một bước chuyển mình quan trọng trong việc định hướng quyết định mua sắm của chủ đầu tư, từ việc đưa ra những quyết định mang tầm nhìn ngắn hạn hay vì lợi ích ngắn hạn, chuyển sang những quyết định mang lợi ích dài hạn hơn, nhằm đạt được cả lợi ích về kinh tế và môi trường.

Những kỹ năng và kiến thức từ khóa đào tạo này sẽ là nền tảng để Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thực hiện nghiên cứu và ứng dụng LCC vào công việc tư vấn đấu thầu, cũng như xây dựng các khóa đào tạo đấu thầu chuyên sâu về mua sắm hàng hóa có xác định giá đánh giá theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Khóa đào tạo đã diễn ra thành công tốt đẹp và đem lại nhiều giá trị cho Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu nói riêng và Cục Quản lý đấu thầu nói chung.

Tin cùng chuyên mục