Phía sau những thương vụ phát hành cổ phiếu kỳ lạ

(BĐT) - Gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến một chương trình phát hành cổ phiếu (CP) ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) khá ngược đời khi mang danh cổ phiếu ưu đãi. 3 triệu CP phát hành thêm của một công ty được chào bán với mức giá 10.000 đồng/CP, cao hơn thị giá khoảng 3.500 đồng/CP.
Không chỉ đình đám với các dự án BOT giao thông, Tasco còn được biết đến với không ít đợt phát hành cổ phiếu kỳ lạ. Ảnh: Huy Hùng
Không chỉ đình đám với các dự án BOT giao thông, Tasco còn được biết đến với không ít đợt phát hành cổ phiếu kỳ lạ. Ảnh: Huy Hùng

Ngoài việc mua đắt, lãnh đạo công ty này còn chịu “hi sinh” hơn nữa khi 3 triệu CP nói trên bị hạn chế chuyển nhượng những 2 năm – theo quy chế thông thường của một chương trình ESOP.

Nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi cho “động cơ” của lãnh đạo công ty này khi họ có một hành động “phi thị trường” đến vậy? Thế nhưng, trên thực tế, không phải lúc nào những quyết định mua, bán CP cũng có thể giải thích được bằng lý thuyết lợi ích thông thường được giảng dạy trong các giáo trình kinh tế. 

Công thức quen thuộc

Một công thức đã trở nên quen thuộc trong vài năm trở lại đây khi các doanh nghiệp (DN) quyết định phát hành thêm CP, tăng vốn điều lệ: phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, mức giá cao hơn thị giá (thường do CP giao dịch dưới mệnh giá – trong khi phát hành thêm theo mệnh giá). Sau khi rất ít cổ đông hiện hữu đăng ký mua, số lượng CP còn “ế” sẽ được HĐQT quyết định chào bán cho những cá nhân, tổ chức khác cũng theo mệnh giá. Đợt phát hành coi như thành công. Một điểm chung là tên tuổi các nhà đầu tư này hầu như được giữ kín.

Cuối tháng 5 vừa qua, khi HUT (Công ty CP Tasco) đang giao dịch xung quanh mức giá 9.000 đồng/CP, quyết định chào bán 89,88 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/CP. Kết quả, hơn 18 triệu CP đã được đăng ký mua, số lượng CP “ế” lên tới 71,83 triệu đơn vị. Không quá khó hiểu, khi muốn tăng tỷ lệ sở hữu, nhà đầu tư có thể tìm trên sàn với mức giá dễ chịu hơn là tham gia chương trình phát hành thêm của Công ty.

Để xử lý tình trạng này, HĐQT Tasco đã chào bán số lượng CP còn lại cho các tổ chức, cá nhân khác. Kết quả có thêm 22,57 triệu CP được nhà đầu tư do HĐQT chỉ định gom vào. Tổng cộng số lượng CP phát hành đạt hơn 40 triệu đơn vị - chưa thực sự thành công, nhưng với sự giải cứu của các tổ chức và cá nhân “bí ẩn”, Tasco cũng thu về 400 tỷ đồng từ đợt phát hành thêm này, giải quyết phần nào nhu cầu về vốn cho các dự án trong tương lai của Công ty.

Giữa năm 2015, Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) phát hành thêm 63 triệu CP với mức giá 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu. Sẽ không có gì khó hiểu nếu mức giá HQC lúc bấy giờ không ở quanh mức 6.000 đồng/CP. Chỉ hơn 1 triệu CP phát hành thêm được mua vào với mức giá đắt đỏ như vậy. Thế nhưng, đợt phát hành vẫn thành công khi 10 cá nhân và 1 tổ chức chia nhau gom gần 62 triệu CP còn lại cũng với mức giá 10.000 đồng/CP. Khi đó, trên thị trường, HQC đã “kịp” giảm giá xuống mức 5.100 đồng/CP.

Trước đó, vào cuối năm 2014, Địa ốc Hoàng Quân cũng có chương trình phát hành tương tự với 30 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP. Với thị giá lúc bấy giờ xung quanh 7.000 đồng/CP, chỉ vỏn vẹn 51 nghìn CP được cổ đông hiện hữu chào mua. 4 cá nhân và tổ chức đã bỏ ra gần 300 tỷ đồng để gom toàn bộ số lượng CP còn lại.

Cứ mua vào là lỗ, câu hỏi đặt ra là tại sao các cá nhân/tổ chức lại tỏ ra “dại dột” đến vậy? 

Lách luật?

Có ý kiến cho rằng, đằng sau những chương trình phát hành CP kỳ lạ nói trên, là các con sóng trên thị trường xảy đến ngay sau đó. 
Theo dõi các thương vụ nói trên, tính chất giống với việc phát hành riêng lẻ hơn là phát hành cho cổ đông hiện hữu khi mà phần lớn CP phát hành rõ ràng được chào bán cho các tổ chức hoặc cá nhân riêng biệt. Câu hỏi đặt ra là tại sao DN lại mất thời gian cho 2 đợt phát hành (cho cổ đông hiện hữu, rồi phân phối lượng CP còn lại cho nhà đầu tư riêng lẻ), mà không tiến hành phát hành riêng lẻ?

Lãnh đạo của một công ty chứng khoán cho biết, hiện tại thủ tục chào bán cho cổ đông hiện hữu hay riêng lẻ về cơ bản không khác biệt nhau nhiều. Thủ tục vì vậy không phải là vấn đề khiến các DN lựa chọn hình thức chào bán.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong các chương trình chào bán riêng lẻ là CP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế. Sức hấp dẫn vì vậy tăng lên rất nhiều. Mặc dù vậy, hấp dẫn đến mức độ nào đi chăng nữa, thì việc mua CP giá cao cũng hết sức khó hiểu.

Có ý kiến cho rằng, đằng sau những chương trình phát hành CP kỳ lạ nói trên, là các con sóng trên thị trường xảy đến ngay sau đó. Các con sóng tăng giá thường xuất hiện khi DN dự định triển khai dự án hứa hẹn mang lại lợi nhuận – khá ăn khớp với việc phát hành thêm huy động vốn. Các tổ chức/cá nhân vừa trở thành anh hùng khi gom CP “ế” sẽ ngay lập tức “thoát hàng” trong các đợt tăng giá về sau. CP không bị hạn chế chuyển nhượng lúc đó mới thực sự phát huy tác dụng.

Trên thị trường tài chính, không một ai hành động không vì lợi ích kinh tế của bản thân!

Tin cùng chuyên mục