Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Mập mờ trong việc loại nhà thầu
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu/hồ sơ yêu cầu được thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu gồm: tên nhà thầu trúng thầu; giá trúng thầu; loại hợp đồng; thời gian thực hiện hợp đồng; danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu; kế hoạch hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn. Đối với gói thầu áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, sau khi có kết quả đánh giá về kỹ thuật, nhà thầu tham gia đấu thầu được thông báo về danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nhà thầu bị loại và lý do bị loại.
Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, việc công bố thông tin nhà thầu bị loại thường rất chậm chạp, miễn cưỡng và đặt nhà thầu bị loại vào tình thế “việc đã rồi”. Có gói thầu giao thông hàng trăm tỷ đồng ở một tỉnh miền núi phía Bắc, 5/6 nhà thầu lớn bị loại ở ngay vòng đánh giá về kỹ thuật, khi nhà thầu nhận được thông báo kết quả đánh giá về kỹ thuật qua email thì bên mời thầu đã mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Trong ngày làm việc sau đó, bên mời thầu, chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng, cho phép nhà thầu trúng thầu khởi công công trình, những nhà thầu bị loại đều “trở tay không kịp” trong việc làm rõ nguyên nhân mình bị loại có thỏa đáng hay không.
Một số nhà thầu lớn ở Hà Nội lại chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, không ít chuyện bên mời thầu cố tình “mập mờ” công bố thông tin nhà thầu bị loại không chỉ ở những gói thầu quy mô hàng chục tỷ đồng mà cả những gói thầu hàng trăm tỷ đồng. Lại có gói thầu xây lắp quy mô lớn nhưng nhà thầu phải gửi 2 lần kiến nghị mới được làm rõ lý do mình bị loại vì khi gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu chỉ ghi ngắn gọn: nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, mà không đưa ra lý do cụ thể.
Nghìn lẻ một lý do “né” công bố thông tin
Thực tế cho thấy, việc công khai đầy đủ, kịp thời kết quả lựa chọn nhà thầu, thông tin về nhà thầu bị loại và lý do bị loại tạo điều kiện cho việc giám sát của cộng đồng, dễ dàng nhìn thấy diễn tiến cuộc thầu. Bởi có những gói thầu xây lắp vài trăm tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi nhưng 2/3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu lại là nhà thầu không có năng lực thi công gói thầu xây lắp quy mô lớn nên chỉ nhìn vào “danh tính” của nhà thầu bị loại, dư luận cũng đã nhìn ra “quân xanh” của cuộc thầu.
Rà soát việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều bên mời thầu cho thấy, nhiều bên mời thầu với các lý do khác nhau đều không muốn công khai “danh tính” và lý do loại nhà thầu. Ở nhiều gói thầu dính kiến nghị, bị “tai tiếng” trong quá trình lựa chọn nhà thầu nhưng khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu “giấu bặt” thông tin về nhà thầu bị loại. Cán bộ bên mời thầu thường trả lời phóng viên Báo Đấu thầu rằng mình chỉ là nhân viên hành chính, thực hiện đăng tải thông tin đấu thầu chứ không nắm được quá trình lựa chọn nhà thầu.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc công bố công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó có phần thông tin về các nhà thầu không được lựa chọn, lý do không được lựa chọn ngoài việc chấp hành quy định của pháp luật về đấu thầu còn tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng nhà thầu và dư luận xã hội giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu có thực sự diễn ra công bằng, minh bạch hay không? Các nhà thầu không được lựa chọn có bị loại oan, nhà thầu trúng thầu có năng lực thực sự, có xứng đáng được chọn hay không? Trường hợp nhà thầu bị loại có thắc mắc về kết quả chấm thầu thì kịp thời kiến nghị tới chủ đầu tư, bên mời thầu theo đúng thời gian quy định. Khi bên mời thầu, chủ đầu tư không quan tâm, không chú trọng đến việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, công bố thông tin về nhà thầu bị loại thì vô hình trung sẽ tạo ra những nghi vấn của dư luận đối với quá trình lựa chọn nhà thầu.