Phytopharma trúng thầu đậm, tai tiếng nhiều

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo tình hình vi phạm của nhà thầu trong đấu thầu, cung ứng thuốc do Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế công bố vừa qua, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) là một trong những doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong việc cung ứng thuốc theo hợp đồng đã ký kết. Trong khi đó, Phytopharma là nhà cung ứng thuốc quen thuộc cho các bệnh viện trên cả nước.
Năm 2019, Phytopharma trúng khoảng 70 gói thầu với tổng giá hơn 8.240 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu lớn cung cấp thuốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Năm 2019, Phytopharma trúng khoảng 70 gói thầu với tổng giá hơn 8.240 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu lớn cung cấp thuốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thành tích trúng thầu “khủng”

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2017 đến nay, Phytopharma trúng khoảng 187 gói thầu với tổng giá hơn 9.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng trong năm 2019, Phytopharma trúng khoảng 70 gói thầu với tổng giá hơn 8.240 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu cung cấp thuốc có giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Đơn cử, đầu năm 2019, Phytopharma trúng Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Tienam (Imipenem + Cilastatin 500mg + 500mg) thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2018 với giá trúng thầu hơn 1.053 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 5,3%.

Cũng trong thời gian đó, tại Gói thầu số 07 Mua thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia có giá gói thầu hơn 4.398 tỷ đồng, Phytopharma trúng thầu với giá trị hơn 2.712 tỷ đồng. Đây là gói thầu thuộc Dự án Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2019 - 2020 thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu. Ngoài Phytopharma, tại gói thầu này, Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương trúng thầu với giá trị hơn 711,4 tỷ đồng.

Tháng 2/2019, Phytopharma cùng với Vimedimex Bình Dương trúng Gói thầu số 1 Cung cấp biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc thuộc Dự án Cung cấp thuốc năm 2019 - 2020 thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia có giá hơn 8.788 tỷ đồng. Trong đó, Phytopharma trúng thầu với giá trị hơn 3.994 tỷ đồng, còn Vimedimex Bình Dương trúng thầu với giá trị hơn 2.717 tỷ đồng.

(Đơn vị: tỷ đồng)

(Đơn vị: tỷ đồng)

Nhiều lần vi phạm trong cung ứng thuốc

Là nhà thầu lớn cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong nước nhưng nhiều sản phẩm của Phytopharma không đảm bảo chất lượng, bị Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Năm 2019, Cục Quản lý dược đã có văn bản đình chỉ lưu hành toàn quốc tất cả các lô thuốc Pneumorel (Fenspiride hydrochloride 80mg) do Công ty Les Laboratories Servier sản xuất, Phytopharma nhập khẩu do nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của người sử dụng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Phytopharma cho biết, Pneumorel được Cơ quan Quản lý dược của Cộng hòa Pháp (ANSM) thông báo có nguy cơ xuất hiện rối loạn nhịp tim. Vì vậy, ngày 8/2/2019, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc thuộc Bộ Y tế đã ghi nhận tình trạng này và báo cáo Cục Quản lý dược. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý dược đã ra quyết định thu hồi sản phẩm này sau khi trao đổi với đại diện Công ty Les Laboratories Servier - nhà sản xuất sản phẩm Pneumorel.

Bên cạnh đó, viên nén LIV-Z Tablets (Levocetirizine dihydrochloride 5mg), số đăng ký: VN-18014-14, số lô: MYTHB1801, ngày sản xuất: 6/3/2018, hạn dùng: 5/3/2020 do Công ty Maxtar Bio-Genics (Ấn Độ) sản xuất, Phytopharma nhập khẩu cũng bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, thu hồi toàn quốc viên nén Sebemin (Betamethason 0,25mg và d-Chlorpheniramin maleat 2mg), số đăng ký: VN-14320-11, số lô: SDM1711, ngày sản xuất: 24/10/2017, hạn dùng 23/10/2020 do Công ty Crown Pharm Co., Ltd. (Hàn Quốc) sản xuất, Phytopharma nhập khẩu. Lý do thu hồi là chất lượng mức độ 2 với chỉ tiêu hàm lượng Betamethasone (chất làm giảm phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và các triệu chứng như sưng tấy và dị ứng) không đạt tiêu chuẩn.

Được biết, cả 2 sản phẩm trên Phytopharma thực hiện dịch vụ nhập khẩu ủy thác.

Trước đó, năm 2014, Phytopharma bị xử phạt hành chính 100 triệu đồng do nhập khẩu nhiều loại thuốc không bảo đảm chất lượng như Paracetamol Infusion do Công ty Marck Biosciences (Ấn Độ) sản xuất, hay lô thuốc viên nang cứng Hepnol do Công ty Cure Medicines (I) Pvt., Ltd. (Ấn Độ) sản xuất.

Thời gian qua, các sở y tế Ninh Thuận, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng báo cáo về việc Phytopharma vi phạm trong việc cung ứng thuốc theo hợp đồng đã ký kết.

Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Phytopharma không cung ứng thuốc Xylocaine Jelly theo đúng số lượng trúng thầu từ khi ký hợp đồng. Hay Sở Y tế An Giang cho biết, Phytopharma không có hàng cung ứng và giao hàng không đúng thời hạn cam kết các loại thuốc Marcaine Spinal Heavy, Medrol…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Phytopharma cho biết đã làm việc và giải trình với các bệnh viện về vấn đề khách quan (như một số sản phẩm thay đổi nhà sản xuất, thay đổi số đăng ký thuốc…). Đồng thời, Công ty đã cùng các nhà sản xuất thuốc nước ngoài cung ứng thuốc trở lại.

Phytopharma tiền thân là Công ty Dược liệu cấp I TP.HCM thành lập năm 1977. Hiện Công ty có vốn điều lệ hơn 254 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Phytopharco Việt Nam sở hữu 62,53%, Nguyễn Công Chiến sở hữu 5,18% và Tổng công ty Dược Việt Nam sở hữu 9,89% vốn điều lệ. Theo đăng ký kinh doanh năm 2017, Phytopharco có vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng do ông Nguyễn Công Chiến nắm giữ 99%. Như vậy có thể hiểu ông Chiến là cổ đông lớn nhất tại Phytopharma. Ông Chiến cũng đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty, còn vị trí quyền Tổng giám đốc do ông Nguyễn Thanh Long nắm giữ từ ngày 5/8/2020 sau khi ông Chiến thôi đảm nhiệm vị trí này.

Tin cùng chuyên mục