Quản chặt việc xé lẻ gói thầu mua thuốc, vật tư để chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc lạm dụng hình thức chỉ định thầu trong lĩnh vực y tế là tình trạng được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến tại các kỳ họp vừa qua. Thực tế gần đây, một số cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để “bịt lỗ hổng”, gia tăng điều kiện để hạn chế tối đa tình trạng này.
Việc lạm dụng hình thức chỉ định thầu trong lĩnh vực y tế là tình trạng được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến tại các kỳ họp vừa qua. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việc lạm dụng hình thức chỉ định thầu trong lĩnh vực y tế là tình trạng được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến tại các kỳ họp vừa qua. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Điều 54, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu bao gồm: không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Thời gian qua, không ít đơn vị đã chia nhỏ gói thầu để né tránh đấu thầu. Một trong những trường hợp điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã ra hơn 1.000 quyết định chỉ định thầu mua sắm vật tư, hoá chất trong 2 năm 2016 - 2017 với tổng giá trị hơn 95 tỷ đồng, trong đó, mỗi gói thầu đều có giá dưới 100 triệu đồng.

Khảo sát sơ bộ tại một bệnh viện ở TP. Cần Thơ cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2023, bệnh viện này đã lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với 80 gói thầu mua sắm hàng hoá. Trong đó, cùng một mặt hàng là hoá chất sử dụng cho máy Elisa, trong tháng 11/2022, bệnh viện này có tới 3 gói thầu được chỉ định thầu và giá gói thầu sát với hạn mức theo quy định.

Một số bệnh viện phân trần, việc chia nhỏ thành nhiều gói thầu là vì muốn làm tắt, đỡ phải trình qua sở tài chính thẩm định giá, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu… mất nhiều thời gian.

Theo một số chuyên gia, hành vi lạm dụng chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, đó là chưa kể đến khả năng cố ý trục lợi, gây thất thoát vốn nhà nước... Đại án Việt Á là một trong những minh chứng cho việc lạm dụng chỉ định thầu, hàng loạt cán bộ lãnh đạo đã phải trả giá rất đắt.

Theo cán bộ của một sở y tế, số lượng gói thầu chỉ định thầu mua sắm hàng hoá trong lĩnh vực y tế có xu hướng gia tăng mạnh trong năm 2022, 2023. Điều này có thể lý giải một phần do bối cảnh số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến sau đại dịch Covid-19, các gói thầu mua thuốc tập trung ở cấp Trung ương và địa phương chậm có kết quả lựa chọn nhà thầu, nên các cơ sở y tế phải chủ động mua sắm nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn, vị cán bộ sở y tế này cho rằng, cần kiểm soát chặt việc ra quyết định chỉ định thầu, bởi đây là hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh, rất khó kiểm soát. “Luật Đấu thầu năm 2023 quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Đây là biện pháp răn đe rất cần thiết”, vị cán bộ này nói.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu khuyến nghị Bộ Y tế và UBND các tỉnh/thành phố cần gia tăng hơn nữa danh mục mặt hàng đấu thầu tập trung ở cấp Trung ương và địa phương, tránh giao việc mua sắm cho cơ sở y tế, thay vào đó cơ sở y tế nên tập trung nhiều hơn vào công tác chuyên môn khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Cùng với những quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 về hình thức chỉ định thầu, tại Dự thảo Thông tư, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung những điều kiện cụ thể để thủ trưởng cơ sở y tế quyết định việc mua sắm theo hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu/nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng.

Cụ thể, đó phải là thuốc để cấp cứu người bệnh, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất; thuốc đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không có nhà thầu trúng thầu; thuốc chưa có trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong năm nhưng phát sinh khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật mới và dịch vụ kỹ thuật đã hoặc đang được chuyển giao, phát sinh trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân; thuốc mà cơ sở y tế chỉ cần mua 1 lần trong năm và gói thầu có giá trị không quá 50 triệu đồng cho toàn bộ mặt hàng thuốc cần mua.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến khích những trường hợp gói thầu đáp ứng điều kiện chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023 và quy định tại Dự thảo Thông tư nêu trên áp dụng các hình thức cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục