Các cơ quan thanh, kiểm tra thuế cũng cần đặt mình vào vị trí doanh nghiệp, hộ kinh doanh để hiểu được điều kiện và khó khăn của họ. Ảnh: Minh Khuê |
Phổ biến tình trạng né thuế
Khi kiểm toán ngân sách TP.HCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị truy thu thuế Công ty Unilever Việt Nam số tiền hơn 800 tỷ đồng. Sau khi nhận được kiến nghị này, Unilever đã làm việc với cơ quan kiểm toán để cung cấp bổ sung số liệu. Từ đó, số tiền truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.
Về trường hợp này, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho biết: “Vụ việc này đã kéo dài đến hai năm trời. Đầu tiên, số tiền KTNN kiến nghị truy thu là hơn 800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này xin lui ngày thực hiện để cung cấp số liệu chứng minh. Sau đó, họ cung cấp số liệu lắt nhắt nhiều đợt, cứ vài tháng lại cung cấp thêm một số dữ kiện mới. Từ các bằng chứng đó, số tiền truy thu giảm xuống. Vấn đề đặt ra là tại sao ngay từ đầu họ không cung cấp thông tin đầy đủ? Thực tế, doanh nghiệp nào cũng luôn có xu thế muốn tránh hoặc giảm số thuế phải nộp”.
Đây là trường hợp điển hình về nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước lớn từ việc doanh nghiệp kê khai và nộp thuế chưa đúng.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, số thuế truy thu qua công tác thanh kiểm tra thuế năm 2016, năm 2017 và năm 2018 lần lượt là hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, hơn 19 nghìn tỷ đồng và hơn 17,3 nghìn tỷ đồng.
Từ phía KTNN, năm 2016, qua đối chiếu giữa cơ quan thuế và 1.653 doanh nghiệp, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng. Năm 2017, qua đối chiếu giữa cơ quan thuế và 2.344 doanh nghiệp, KTNN xác định phải nộp ngân sách nhà nước thêm 1.351 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, hiện tượng doanh nghiệp tìm cách tránh và giảm số thuế phải nộp là khá phổ biến.
Nhận xét về việc thực thi pháp luật thuế từ góc độ của cơ quan kiểm toán, TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN cho rằng, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp như: Áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng; nhiều đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh; chất lượng công tác thanh, kiểm tra còn vấn đề…
Thận trọng trong thanh kiểm tra
Đó là hoàn thiện chính sách thuế nói chung và các văn bản pháp luật về thuế nói riêng. Hệ thống thuế phải đạt được các yêu cầu về công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Cũng theo ông Tuấn, cần có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nữa về việc thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế để kiểm soát được dòng tiền nhằm tránh các hành vi gian lận và trốn thuế. Đồng thời, kịp thời công khai doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nhất là những doanh nghiệp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.
Đồng tình với các kiến nghị này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục Thuế cho biết, các đơn vị của Tổng cục Thuế luôn nỗ lực chống thất thu thuế theo quy định của pháp luật. “Người nộp thuế có hành vi gian lận đều phải chịu chế tài xử phạt nghiêm khắc. Những người nộp thuế tuân thủ tốt đều có chính sách khuyến khích kê khai và tuyên dương”, bà Lan Anh nói.
Từ góc độ đơn vị tư vấn thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng: “Các giải pháp về quản lý thuế cần được tăng cường, song cũng chú trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan thanh kiểm tra cần đặt mình vào vị trí doanh nghiệp, hộ kinh doanh để hiểu được điều kiện và khó khăn của họ”.
Thời gian qua, đã từng có những vụ việc doanh nghiệp không đồng tình hoặc khiếu kiện các quyết định truy thu thuế. Bình luận về điều này, bà Cúc nói: “Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện việc thanh kiểm tra thuế. Cơ quan nào đưa ra kết luận thanh tra thuế sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, một kết luận sai có thể khiến doanh nghiệp lao đao, mất thương hiệu, thậm chí phá sản”, bà Cúc nhấn mạnh.