Ảnh minh họa: Nguồn Internet. |
Theo Ban, thời gian qua, dưới sự tác động bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng với sự biến động tình hình thế giới, xung đột xảy ra ở một số quốc gia, dẫn tới giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng liên tục tăng, vượt ngoài khả năng dự báo. Một số thời điểm, giá vật liệu (thép, xi măng, cát, đá, nhựa đường...) trên thị trường tăng hơn 30%. Riêng giá xăng dầu hiện tại đã tăng hơn 60% so với thời điểm đầu năm, khiến cho chi phí các ca máy thi công trên công trường xây dựng bị đội lên rất cao.
Trong năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã ký một số hợp đồng xây lắp có giá trị lớn, thời gian thực hiện hơn 2 năm, áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định thuộc các dự án vay vốn ODA. Đơn cử như các hợp đồng xây lắp thuộc Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Do biến động giá tăng quá lớn, gây khó khăn cho các nhà thầu xây lắp, một số nhà thầu phải tổ chức thi công cầm chừng hoặc gần như dừng thi công để chờ giá vật liệu thị trường bình ổn trở lại vì càng làm càng lỗ; trong khi giá cả thị trường biến động ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đang đề nghị UBND Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành giải pháp tổng thể để bình ổn thị trường. Cùng với đó, Ban cũng kiến nghị UBND Tỉnh kịp thời có các giải pháp tình huống cho phép điều chỉnh đơn giá vật liệu có biến động bất thường, nhất tại các hợp đồng đang áp dụng hình thức đơn giá cố định, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu duy trì, đẩy nhanh tiến độ thi công hợp đồng đã ký, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực của Nhà nước.